Giải bài toán an ninh năng lượng

Duy Khang (thực hiện) 21/05/2017 09:00

Làm sao để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa tăng trưởng bền vững, đây là bài toán hóc búa được đặt ra đối với chiến lược phát triển năng lượng hiện nay của Việt Nam. Ông Ngô Đông Hải- Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có những giải đáp xoay quanh nội dung này.

PV: Năng lượng chính là đầu vào thiết yếu của các ngành sản xuất và cuộc sống, ông nhìn nhận như thế nào về chiến lược phát triển năng lượng hiện nay của Việt Nam, thưa ông?

Ông Ngô Đông Hải: Trong những năm đổi mới đến nay, chiến lược phát triển an ninh năng lượng của nước ta cơ bản đã theo kịp và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đẩy nhanh tiến trình hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế - xã hội đặt ra rất nhiều yêu cầu mới để đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó, chúng ta cần đầu tư vào chiến lược an ninh năng lượng quốc gia.

Chiến lược phát triển an ninh năng lượng nói chung, phát triển nguồn cung điện nói riêng là bài toán hết sức phức tạp và toàn diện. Không thể nhìn một chiều về yêu cầu môi trường, yêu cầu bảo vệ an ninh, cũng không thể nhìn một chiều là đơn thuần đáp ứng các nhu cầu đơn giản. Việc xây dựng các chiến lược năng lượng tái tạo, kết hợp tiếp tục duy trì và phát triển các nguồn năng lượng cơ bản như nhiệt điện, thủy điện là bài toán cần có chiến lược rành mạch, đáp ứng được nhu cầu cụ thể trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia từng thời kỳ, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như xu hướng phát triển của hội nhập quốc tế.

Nước ta đang phát triển thị trường đồng bộ và toàn diện, thị trường năng lượng không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, giá năng lượng là một bài toán đòi hỏi nhiều cân nhắc từ nhiều khía cạnh khác nhau. Hiện Chính phủ đang có những chiến lược để điều chỉnh giá điện phù hợp. Thứ nhất là quan tâm đến nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân; mặt khác cũng tính toán điều chỉnh giá điện sao cho khuyến khích đầu tư các nguồn cung năng lượng, đặc biệt là các nguồn cung năng lượng tái tạo trong thời gian tới. Sẽ đến lúc phải phân định rõ đâu là giá điện phục vụ công ích, đâu là giá phục vụ kinh doanh theo thị trường.

Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất trong phát triển năng lượng của Việt Nam hiện nay?

- Thách thức lớn nhất hiện nay là đáp ứng cho yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh nước ta đã dừng triển khai các nhà máy điện hạt nhân, trong khi đó tiềm năng khai thác thủy điện về cơ bản đã hết công suất. Nhưng tôi cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội. Một là dư địa tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng điện vẫn còn rất nhiều. Nếu chúng ta có chiến lược, chính sách khuyến khích tiết kiệm thì áp lực về an ninh năng lượng sẽ không còn quá lớn. Thứ hai, chúng ta vẫn có nhiều tiềm năng phát triển tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời, gió. Thứ ba, trong xu thế hội nhập, chúng ta phải tính toán đến việc sử dụng những tiềm năng năng lượng trong khu vực bằng cách kết nối an ninh năng lượng trong khu vực, điều này một mặt vừa đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, mặt khác cũng góp phần tạo dựng thị trường năng lượng khu vực bền vững.

Trong giai đoạn 2016-2030, tổng vốn đầu tư dự kiến rất lớn, lên tới 148 tỷ USD, chưa kể vốn đầu tư BOT. Ông đánh giá thế nào về con số này thưa ông?

- Đây là thách thức rất lớn đối với nước ta trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, bài học từ các nước trên thế giới cho thấy, việc đầu tư cho phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ nguồn ngân sách quốc gia. Nếu triển khai các cơ chế chính sách đầy đủ, đúng đắn, có thị trường năng lượng đồng bộ thì chắc chắc sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư để giải quyết bài toán an ninh năng lượng. Việc giải quyết nguồn đầu tư trước hết chính là giải quyết cơ chế để phát triển thị trường năng lượng trong thời gian tới. Chúng ta cần phải có chiến lược phát triển thị trường năng lượng minh bạch và phù hợp, như vậy sẽ có cơ sở để thu hút đầu tư.

Thời gian qua, việc phát triển nguồn nhiệt điện than đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một mặt ủng hộ do chi phí cho loại hình này thấp song, phần lớn ý kiến không đồng thuận khi cho rằng, các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ hủy hoại môi trường rất lớn, ông nghĩ sao về điều này?

- Thực sự, bài toán đảm bảo môi trường trong các dự án phát triển nhiệt điện than đang rất nhức nhối, đau đầu đối với các nhà quản lý. Tôi cho rằng, việc bảo đảm môi trường khi triển khai các nhà máy nhiệt điện phải được đặt lên hàng đầu. Chắc chắn chúng ta phải quan tâm thỏa đáng đến việc này. Phát triển quá nhiều nhiệt điện than thì chúng ta sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhiên liệu. Nhưng nếu không thì tính toán thận trọng thì an ninh năng lượng cũng là bài toán hóc búa. Việc tham gia của các nhà khoa học, nghiên cứu đầy đủ của các bộ, ngành thì chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, trong đó tỷ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng nhiệt điện than sẽ có được con số tối ưu.

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, thời gian qua, Việt Nam tăng trưởng phụ thuộc vào nhiều ngành tiêu tốn năng lượng, muốn tăng trưởng bền vững cần phải thoát khỏi tư duy này. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

- Nền kinh tế nước ta phát triển chủ yếu về chiều rộng mà chưa có chiều sâu. Biểu hiện rõ nhất là mức độ thâm dụng vốn, thâm dụng lao động, đặc biệt thâm dụng năng lượng rất lớn. Chúng ta cần phải suy nghĩ một cách thấu đáo, đặt vấn đề tiết kiệm năng lượng lên tất cả các diễn đàn. Tôi cho rằng, để giải quyết bài toán tiết kiệm năng lượng phải xuất phát từ ít nhất hai yếu tố: Công nghệ và hành vi. Đặc biệt trong sản xuất thì yếu tố công nghệ là hàng đầu. Đặt bài toán tiết kiệm là yêu cầu bắt buộc, đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật thì vừa đảm bảo giảm áp lực về an ninh năng lượng nhưng đồng thời cũng là cơ hội để nền sản xuất chuyển đổi công nghệ, tiếp cận năng lượng hiện đại tiết kiệm, thân thiện môi trường, đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán an ninh năng lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO