Giải quyết bằng trọng tài kiểm soát rủi ro trong kinh doanh

Lan Hương 11/05/2018 14:00

Ngày 11/5, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã phối hợp với Tòa trọng tài Phòng thương mại quốc tế (ICC) tổ chức hội thảo Trọng tài thương mại - Tăng thêm “tự tin” cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)”.

Giải quyết bằng trọng tài kiểm soát rủi ro trong kinh doanh

Đại biểu tham dự hội thảo.

Ông Nguyễn Ánh Dương - Phó Chủ tịch VIAC cho biết, theo các số liệu thống kê tại VIAC, các tranh chấp nội địa được giải quyết tại VIAC phần lớn luôn có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI và trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ tranh chấp nội địa luôn có xu hướng gia tăng. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã nhận thấy các ưu điểm nổi trội của phương thức trọng tài, tin tưởng lựa chọn trọng tài và VIAC để giải quyết tranh chấp.

Ông Phạm Trọng Đạt, trọng tài viên cho hay, nhiều DN FDI không chọn Tòa án để giải quyết vì phương thức Tòa án quá dài. Theo báo cáo kết quả khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017, có 72% DN FDI cho biết không lựa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp vì phương thức giải quyết khác phù hợp hơn, 43% cho rằng vì thời gian quá dài, 28% cho rằng vì chi phí cao, 22% lo ngại tình trạng chạy án, 14% lo ngại Tòa không xét xử công bằng. Nếu không sử dụng Tòa án, 40% DN FDI cho biết sẽ sử dụng trọng tài thương mại, 19,4% chọn khiếu nại tới quan chức tỉnh, 15,5% chọn khiếu nại tới đại sứ quán….

Theo ông Đạt, khoảng 24% số vụ tranh chấp được giải quyết tại VIAC có sự tham gia của ít nhất một bên trong tranh chấp là doanh nghiệp FDI. Trong số các tranh chấp này 32% thuộc lĩnh vực mua bán hàng hóa, 24% thuộc lĩnh vực xây dựng…

Theo LS, Trọng tài viên VIAC Phạm Mạnh Dũng những vướng mắc của nhà đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam thường là do thu hồi Giấy chứng nhận (đăng ký đầu tư), đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, Thu hồi quyền sử dụng đất, Tranh chấp về thuế, Tranh chấp về hoạt động kinh doanh liên quan đến đầu tư xây dựng, bảo hiểm, gia công…

“Các chủ thể tranh chấp khá đa dạng có thể là giữa các doanh nghiệp FDI với nhau hay giữa các bên liên doanh, giữa các cổ đông, thành viên công ty và tranh chấp giữa các bên tham gia. Giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, giữa nhà đầu tư và nhà nước… Do đó cần có quy định để giải quyết các vấn đề ngăn chặn, phòng tránh, xử lý tranh chấp đầu tư các cơ chế phối hợp, giám sát, phát hiện sớm các tranh chấp về đầu tư, đồng thời tăng cường cơ chế giám sát của Quốc hội với việc hủy quyết định trọng tài, công nhận và thi hành phán quyết của trọng tài sao cho hủy phán quyết của trọng tài là hãn hữu. Nhà nước cần hỗ trợ phát triển hoạt động trọng tài, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho trọng tài viên”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề đầu tư và tiếp nhận đầu tư quốc tế đang là một vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thực tiễn cho thấy trong những năm gần đây, đối với các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, lợi thế đã không còn nghiêng hẳn về các nhà đầu tư và thay vào đó, các quốc gia đang phát triển đã ngày càng có sự chuẩn bị tốt hơn về các biện pháp pháp lý.

Số liệu của VIAC cho biết, năm 2017 có 151 vụ tranh chấp với 206 vấn đề tranh chấp; Trong đó 81 vấn đề tranh chấp gộp thành 26 vụ kiện; 19 vụ hòa giải thành. Trị giá tranh chấp lớn nhất lên đến 3.800 tỷ đồng (tương đương 168 triệu USD).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải quyết bằng trọng tài kiểm soát rủi ro trong kinh doanh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO