Giảm nghèo vùng Tây Bắc: Điều chỉnh dần chính sách hỗ trợ

K. Lê 26/12/2015 21:23

Nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng đã giảm từ 34,41% (năm 2008) xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014, bình quân giảm 3,91%/năm. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm còn 31,94%, đạt mục tiêu theo kế hoạch đã được đề ra và vượt so với mục tiêu giảm bình quân 4%/năm. Tuy nhiên nếu xét tiêu chí về chuẩn nghèo đa chiều mới được ban hành, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 thì tỷ lệ hộ nghèo ở Tây Bắc c

Giảm nghèo vùng Tây Bắc: Điều chỉnh dần chính sách hỗ trợ

Hạn chế chính sách cho không để giảm nghèo bền vững.

Báo cáo của Ban chỉ đạo Tây Bắc cho thấy bằng nhiều nguồn lực và các chương trình mục tiêu quốc gia, cơ sở vật chất và hạ tầng từ tỉnh đến cơ sở, vùng Tây Bắc nói chung và 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng đã có bước phát triển. Đáng chú ý, thông qua cơ chế, chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ dân tộc thiểu số nói riêng được cải thiện rõ nét, tạo điều kiện để người dân trên địa bàn tiếp cận thuận lợi hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, điện, nước sinh hoạt, giao thông đi lại.

Đến nay, đã có 100% số xã đã có đường ô-tô đến trung tâm; hơn 80% số xã có đường cho xe cơ giới đến các thôn, bản; hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho 75% diện tích ruộng; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã.

Thực tế cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và tác động của lạm phát, suy giảm kinh tế; chính sách thắt chặt về tài chính, tiền tệ và cắt giảm đầu tư công nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tập trung ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trên địa bàn vùng Tây Bắc.

Cụ thể giai đoạn 2009-2015, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tập trung nguồn vốn tín dụng ưu tiên đầu tư cho những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần quan trọng thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện nghèo. Từng bước tạo sự chuyển biến về đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc khu vực Tây Bắc.

Đã giúp trên 2,6 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống, góp phần giúp trên 360.000 hộ thoát nghèo, trên 122.000 lao động có việc làm, xây dựng trên 663.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 152.000 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Là một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, trong những năm qua Lai Châu đã nỗ lực cho công tác xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 21%, bình quân giảm trên 5%/năm. Tỉnh đã tập trung các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, gắn tái định cư thủy điện với xóa đói giảm nghèo. Từ chỗ 15 xã nằm trong vùng tái định cư không có điện, đường, trường, trạm, không biết tiếng Kinh, nay giảm nghèo nhanh nhất, trở thành vùng khá, điểm sáng.

Tương tự tại tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Duy Cường cho biết, thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh này giảm từ 32,53% cuối năm 2011 xuống còn 20,56%. Năm 2015, tỉnh có kế hoạch giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo, còn 16,56%, dự kiến kết quả giảm nghèo năm 2015 sẽ vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, nhìn chung tỉ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc hiện vẫn cao gấp 2,7 lần bình quân cả nước và có nguy cơ khoảng cách này ngày càng cao. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Giang là 23,21%, Cao Bằng 20,55%, Yên Bái 20,57%, Sơn La 23,94%, Điện Biên 32,57% và Lai Châu là 23,48%. Đáng chú ý tại 6 tỉnh này có tới 633 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135, trên tổng số 1.380 xã được hỗ trợ của cả vùng, chiếm tỷ lệ 45,87%. Những con số này cho thấy, công tác giảm nghèo tại vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều thách thức.

Đánh giá về công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc tại hội nghị mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, Tây Bắc vẫn còn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là lõi nghèo của Việt Nam. Tỷ lệ hộ nghèo đều cao từ 20%-30%. Nếu xét theo tiêu chí mới về chuẩn nghèo đa chiều theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 bao gồm nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin thì tỷ lệ hộ nghèo còn cao hơn nhiều.

Về vấn đề này đại diện Bộ LĐTB & XH cũng thừa nhận, kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững, tốc độ giảm nghèo giữa các vùng, miền không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, chậm tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân, việc triển các chính sách hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn. Chính sách hỗ trợ đất sản xuất đã được triển khai từ giai đoạn 2006-2010 nhưng kết quả thực hiện được rất hạn chế, do quỹ đất không còn. Nhiều tỉnh gặp khó khăn trong việc tạo quỹ đất.

Để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho các tỉnh vùng Tây Bắc được lâu dài và bền vững nhiều đại biểu cho rằng, các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu tích hợp các chính sách liên quan đến nhiều văn bản như chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo, vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tạo việc làm tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo... theo nguyên tắc hỗ trợ có điều kiện, có thời hạn để gắn trách nhiệm và tính tự giác của hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đối với các chính sách hỗ trợ trực tiếp chỉ thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội và người có công. Nghiên cứu, ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo, để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Trong đó, đặc biệt cần phải điều chỉnh các chính sách giảm nghèo theo hướng: Không ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế bình quân, dàn trải mà chỉ hỗ trợ thông qua các mô hình sinh kế cho hộ nghèo (hướng mục tiêu giảm nghèo trong các dự án vi mô). Đồng thời xây dựng cơ chế thực hiện mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo theo kế hoạch giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm nghèo vùng Tây Bắc: Điều chỉnh dần chính sách hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO