Giảm thiểu chi phí không chính thức để doanh nghiệp phát triển

Việt Thắng 06/04/2017 08:50

Ngày 5/4, các ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), thông tin từ các doanh nghiệp cho thấy doanh nghiệp quan tâm đến cải cách hành chính, giảm thiểu các chi phí không chính thức bởi chi phí không chính thức đang quá lớn, “bủa vây” doanh nghiệp nên doanh nghiệp khó nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó cần chú trọng hơn nữa các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao trình độ quản trị công.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm- Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) hiện rất lớn, vậy nguồn lực ở đâu? hỗ trợ như thế nào? cơ chế hoạt động của các quỹ ra sao? Nhà nước tất nhiên có trách nhiệm hỗ trợ cho DN nhưng mọi hỗ trợ phải phù hợp với cơ chế thị trường, hài hòa các lợi ích của Nhà nước, DN, nhân dân chứ không phải là bao cấp.

Cùng chung quan điểm cho rằng một số quy định trong dự thảo Luật chưa cụ thể, rõ ràng, ĐB Trương Anh Tuấn (Nam Định) nhận định, Dự thảo Luật có đề cập đến khái niệm DN siêu nhỏ trong các DN nhỏ nhưng trong toàn bộ nội dung của Luật lại không thấy đề cập đến và cũng không có chính sách riêng đối với loại hình DN này. Do vậy, theo ông Tuấn, cần bổ sung chính sách hỗ trợ DN siêu nhỏ, nghĩa là cần có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là DN siêu nhỏ.

Còn ĐB Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nhìn nhận, xã hội hóa mạnh trong hỗ trợ DNVVN. Nên lựa chọn DN có lợi thế để hỗ trợ, ưu tiên chứ không nên dàn trải vì không đủ nguồn lực hỗ trợ hết cho các DN. Rồi còn là trách nhiệm trong hỗ trợ người lao động nhất là hỗ trợ đào tạo nghề, an toàn lao động, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phải có trách nhiệm cao bảo vệ quyền lợi của người lao động toàn diện thì DN mới phát triển bền vững.

Theo ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), cần khẳng định rõ hỗ trợ cho DN là bằng hình thức gián tiếp chứ không phải trực tiếp thông qua các chính sách giảm thuế, tiếp cận thị trường và đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên thông tin từ các DN cho thấy DN quan tâm đến cải cách hành chính, giảm thiểu các chi phí không chính thức bởi chi phí không chính thức đang quá lớn, “bủa vây” DN nên DN khó nâng cao năng lực cạnh tranh. Bà Hạnh nói: “Các DN e ngại trong thủ tục hành chính, chi phí không chính thức quá cao. Đặc biệt chi phí không tỷ lệ thuận với DN khi DN càng nhỏ thì chi phí không chính thức càng lớn. Khoảng 3 triệu hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, hộ gia đình có nhu cầu rất lớn chuyển lên thành DNVVN nhưng ngại không dám chuyển lên vì sợ thủ tục hành chính và chi phí không chính thức quá lớn. Do đó cần chú trọng hơn nữa các giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, nâng cao trình độ quản trị công”.
Chốt lại, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, yêu cầu hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, có thời gian và có tính toán đến cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi của chính sách, tránh dàn trải, chung chung.

Chiều cùng ngày, các ĐBQH chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu chi phí không chính thức để doanh nghiệp phát triển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO