Gỡ khó cho những con tàu 67

Tấn Thành 26/10/2019 09:15

Tại Quảng Nam, 5 năm qua, các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (NĐ67) đã giúp nhiều ngư dân đóng mới, cải hoán tàu có công suất lớn vươn khơi bám biển. Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn cần sớm tháo gỡ.

Gỡ khó cho những con tàu 67

Chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Thực hiện chính sách của NĐ67, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt cho 17 chủ tàu đủ điều kiện nâng cấp tàu cá và 92 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá, đạt 100% chỉ tiêu phân bổ từ Trung ương. Trong đó có 60 tàu vỏ thép, 2 tàu composite và 30 tàu vỏ gỗ.

Triển khai kế hoạch, các ngân hàng thương mại tại địa phương đã tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 63 tàu cá, đạt 68,5% số tàu cá được phê duyệt và 2 tàu nâng cấp máy chính với tổng giá trị 729,58 tỷ đồng. Tính đến nay, đã giải ngân được 719,35 tỉ đồng/65 tàu cá.

Sở NNPTNT nhận định, các chính sách về tín dụng đã hỗ trợ ngư dân tích cực đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá nâng cao năng lực sản xuất, đội tàu cá của tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và hiện đại hơn. Nhờ đó, ngư dân đã vững tin hơn khi đối mặt với những khó khăn, nguy hiểm trên biển, tiếp tục bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên vẫn còn đó những khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thời gian qua có 4 tàu vỏ gỗ bị tai nạn, gồm 1 tàu bị chìm, không trục vớt được và 3 tàu bị cháy hoàn toàn. 2 tàu vỏ thép bị hư hỏng, nằm bờ. Đáng nói nhất là tàu của ngư dân Trần Văn Liên, ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, máy tàu bị hư hỏng ngay từ khi chạy thử đến nay vẫn nằm bờ. Ngoài ra một số tàu làm ăn không hiệu quả, nhất là các tàu cá làm nghề lưới rê hỗn hợp.

Nguyên nhân dẫn đến những tàu cá làm ăn không hiệu quả, ngành Thủy sản cho rằng do ngư dân chưa quen với trang thiết bị khai thác mới nên khi vận hành các máy móc, thiết bị xảy ra sự cố làm gián đoạn sản xuất và tăng chi phí đầu vào các chuyến đi biển. Các tàu cá hoạt động tại các vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa thường xuyên bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tranh chấp ngư trường; các tàu làm nghề lưới vây ít hiệu quả do lượng cá nục, cá ngừ ngày càng cạn kiệt dần...

Chính vì thế, các khoản vay vốn đóng tàu theo NĐ67 phần lớn đã chuyển sang nợ quá hạn hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã kịp thời chỉ đạo tích cực hỗ trợ ngư dân, đồng thời hỗ trợ ngân hàng, như đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách của Nhà nước. Thành lập các Tổ công tác hỗ trợ các ngân hàng thương mại thu hồi nợ. Đối với các trường hợp chủ tàu không đủ năng lực để hoạt động có nhu cầu chuyển nhượng thì thông báo cho ngư dân có nhu cầu sang nhượng tàu…cùng với đó là đề xuất các biện pháp giảm tỷ lệ nợ xấu tương ứng với từng nguyên nhân phát sinh nợ xấu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, chủ trương của tỉnh là hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn sản xuất xa bờ, giảm dần khai thác hải sản gần bờ, tránh khai thác hủy diệt các loài hải sản đang thời kỳ sinh đẻ, hải sản còn non. Tỉnh yêu cầu các địa phương chú trọng hỗ trợ ngư dân khai thác xa bờ với các loại hải sản giá trị kinh tế cao đi đôi với tăng cường bảo vệ nguồn lợi hải sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gỡ khó cho những con tàu 67

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO