Hỗ trợ ngư dân vượt khó

H.Vũ (thực hiện) 20/04/2020 08:00

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đang phải gồng mình do giá cá hạ chỉ còn một nửa, những tàu lớn phải neo bờ để chờ giá.

Hiện ngư dân rất cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn, vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Trần Anh Tuấn- Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần có những chính sách để hỗ trợ ngư dân trong bối cảnh hiện nay.

Hỗ trợ ngư dân vượt khó

Ông Trần Anh Tuấn.

Theo ông Trần Anh Tuấn, ngư dân đánh bắt cá xa bờ hiện gặp nhiều khó khăn, do đó trong gói hỗ trợ chung của Chính phủ mới ban hành cũng cần xem xét, hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Vì họ là những người cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều ngư dân không ra biển được, chưa kể ra biển đánh bắt cá về nhưng giá cá rất thấp cho nên tôi cho rằng đây cũng là nhóm đối tượng chúng ta cần quan tâm. Họ là đối tượng dễ bị tác động tiêu cực bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan của dịch bệnh Covid-19. Hoạt động sinh kế của họ bị tác động rất nhiều do cầu chung của thị trường giảm, đánh bắt về giá cũng bị giảm theo. Chưa kể, họ không phải tầng lớp trung lưu, mà là tầng lớp dễ bị tổn thương bởi các tác động bên ngoài. Giống như trường hợp hộ nghèo hay cận nghèo vậy, rất dễ bị tác động khi dịch bệnh xảy ra. Cho nên, song song với việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có khả năng tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi cho rằng ngư dân cũng là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh đang diễn ra. Cho nên cần coi đây là nhóm đối tượng đưa vào diện xem xét để hỗ trợ.

PV: Thực tế thì ngư dân gặp khó khăn, phải bám trụ neo bờ chờ giá nên tại một số nơi đã phải quyên góp để ủng hộ ngư dân trong lúc khó khăn này. Như vậy chúng ta cần phải nhanh chóng có sự hỗ trợ để ngư dân còn vươn khơi bám biển, thưa ông?

Ông Trần Anh Tuấn: Vì dịch bệnh xảy ra là nguyên nhân bất khả kháng, gây thiệt hại, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nói chung và ngư dân nói riêng. Vì thế hỗ trợ cần triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như: Người nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm do dịch bệnh. Chính sách hỗ trợ nhanh chóng đi vào cuộc sống sẽ có tác dụng mạnh mẽ, tăng thêm niềm tin của xã hội vào những chính sách đó.

Thưa ông, ngư dân là đối tượng đặc biệt khi họ không chỉ có cuộc sống mưu sinh khó khăn, vất vả nhiều hiểm nguy, mà còn góp phần trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, mỗi con thuyền, mỗi ngư dân như là những “cột mốc sống” trên biển. Ông có nghĩ trong trường hợp này chúng ta cần những gói hỗ trợ đặc biệt cho họ không?

- Trong việc góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, từ trước đến nay chúng ta đã có những chính sách hỗ trợ cho họ. Và hiện nay, vẫn đang triển khai thực hiện những chính sách đó. Bảo vệ chủ quyền đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả. Chúng ta đã đẩy mạnh những chính sách hỗ trợ cho những người mưu sinh và khai thác trên vùng biển, hải đảo để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền đất nước. Tôi cho rằng, bên cạnh những chính sách trước đây Nhà nước đã hỗ trợ như: Tàu thuyền, dịch vụ, chúng ta cần có những chính sách kịp thời, ví như những ngư dân bị chịu tác động trong đợt dịch này cũng phải được hưởng thêm những chính sách hỗ trợ đó. Đồng thời, ngoài chính sách hỗ trợ về vật chất cần có những chính sách hỗ trợ phi vật chất, bao tiêu sản phẩm để họ có tinh thần và động lực mạnh mẽ hơn trong việc mưu sinh, xuất hiện ở vùng biển, hải đảo để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc chống lại các hành vi xâm lược lãnh thổ.

Trong bối cảnh ngư dân đang gặp khó trong xuất khẩu, theo ông chúng ta có chính sách thế nào để hỗ trợ ngư dân trong việc thu mua, hay xuất khẩu?

- Thị trường xuất khẩu hiện nay đang gặp khó khăn do các nước hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên để kích cầu nội địa, hay trong quá trình phân phối hiện tại cần phải khuyến khích mạnh hơn tiêu thụ các sản phẩm đánh bắt gần và xa bờ, tạo động lực cho ngư dân tiếp tục tăng khả năng ra biển. Khi xuất hiện tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để vi phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ta, thì việc ngư dân vừa vươn khơi đương đầu với sóng gió thực hiện việc mưu sinh trên vùng biển, hải đảo xa bờ vừa bảo vệ lãnh hải là điều rất đáng trân trọng. Vì thế rất cần những chính sách bao tiêu sản phẩm tiêu dùng trong nước để khuyến khích họ. Có thể kích thích tiêu dùng trong nước bằng nhiều việc. Chẳng hạn, Nhà nước hỗ trợ bao tiêu thông qua các kênh phân phối của các nhà bán lẻ trong nước để khuyến khích, động viên họ tiếp tục thực hiện những việc khai thác, đánh bắt cá trong phạm vi chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình. Muốn vậy, cần phải quan tâm đến thị trường nội địa, tạo chuỗi liên kết từ khâu đánh bắt, tạo vùng nguyên vật liệu, bảo quản, sơ chế biến cho đến thị trường tiêu thụ. Xác định, cơ cấu lại vùng sản xuất nguyên liệu hiện có, đảm bảo tính liên tục trong sản xuất và tiêu dùng nội địa để nâng cao kích cầu nội địa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thời điểm này, nhiều ngư dân không ra biển được, chưa kể ra biển đánh bắt cá về nhưng giá cá rất thấp. Họ là đối tượng dễ bị tác động tiêu cực bởi những nguyên nhân khách quan và chủ quan của dịch bệnh Covid-19. Hoạt động sinh kế của họ bị tác động rất nhiều do cầu chung của thị trường giảm, đánh bắt về giá cũng bị giảm theo. Vì vậy, song song với việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng không có khả năng tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì ngư dân cũng là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh đang diễn ra. Cho nên cần coi đây là nhóm đối tượng đưa vào diện xem xét để hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hỗ trợ ngư dân vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO