Hội nhập để đi lên

H.Hương 13/10/2016 14:10

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp. Tại đây, nhiều ý kiến đưa ra với tinh thần chung là làm sao để tái cơ cấu thành công, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh. Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, cần chủ động hội nhập để đi lên.

Hội nhập để đi lên

Trọng tâm ưu tiên trong tái cơ cấu ngân hàng là phải xử lý nhanh dứt điểm nợ xấu.

Sửa cách làm

Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã diễn ra từ 5 năm qua. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Ciem cho biết: Quá trình tái cơ cấu đã đụng đến nhiều vấn đề cần phải thay đổi, cải cách.

Tuy nhiên, TS Cung nêu thực tế: “Ai cũng đồng ý thay đổi nhưng khi đụng đến thay đổi thì không ai muốn làm, vì đụng đến quyền lợi của mình. Các bộ ngành cũng thế, họ sợ mất quyền mất lợi lộc từ tái cơ cấu”.

Theo TS Nguyễn Đình Cung thời gian qua, tái cơ cấu nặng về tư duy huy động nhưng quan trọng hơn cùng với huy động là phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả, từ đó khơi thông dòng chảy.

Vì nếu huy động mà không sử dụng nguồn lực thì sẽ hụt hố chứ không thể bay lên. Nền kinh tế sau 30 năm đổi mới được nhìn nhận là thành công nhưng quy mô còn nhỏ, GDP đầu người còn thấp so với các nền kinh tế khác. “Do vậy nên tự hào vừa phải”-ông Cung nói.

Theo đánh giá thời gian qua hiệu quả đầu tư khá thấp so với các nước cùng thời kỳ phát triển. Một số chỉ tiêu là môi trường bị kém đi chỉ tiêu hiệu quả kém đi.

Cụ thể huy động qua ngân sách cao, chi thường xuyên cao, thâm hụt ngân sách cao, nợ công cao tăng nhanh, độ sâu tài chính, huy động bằng tín dụng cao.

Cứ mất 3 đơn vị tín dụng mới đạt được 1 đơn vị tăng trưởng. Nguồn lực nằm trong khu vực nhà nước quá nhiều với ước tính đơn giản khoảng 400 tỷ USD ( theo giá sổ sách chưa tính đất đai tài nguyên) song khu vực này hiệu quả sử dụng thấp dần , chưa kể nhiều dự án đầu tư thua lỗ, mất hàng trăm tỷ…Từ đây xói mòn nguồn lực, làm xói mòn năng lực cạnh tranh, xói mòn sự thịnh vượng của quốc gia.

“Hàng năm, chúng ta thường tính toán chỉ tiêu giải ngân bao nhiêu, đầu tư bao nhiêu, tín dụng bao nhiêu mà chưa có sự tính toán về hiệu quả sử dụng nguồn lực đó, vấn đề hiệu quả không được đặt thành mục tiêu”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

Trong khi đó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cũng thẳng thắn: Có cảm tưởng tái cơ cấu để duy trì lâu hơn cơ chế hiện tại là xin - cho, phân bố vốn bình quân, dàn trải, tư nhân không được coi trọng.

Theo các chuyên gia, tái cơ cấu giai đoạn 2 phải tập trung phân bổ nguồn lực thay vì huy động nguồn lực. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu về phân bổ sẽ làm thay đổi cấu trúc quyền lợi, nên sẽ vấp phải sự phản đối lớn.

Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo phải vượt qua được chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ. Phải thay đổi cách thức thực hiện thì tái cơ cấu mới hy vọng thành công, còn không, chúng ta sẽ tiếp tục tụt hậu”.

Hưởng lợi ích hội nhập để vươn lên

Giới chuyên gia tiếp tục khẳng định, thời gian tới tái cơ cấu trọng tâm 3 đột phá chiến lược: cải cách thể chế , hành chính, môi trường kinh doanh. Trong đó thể chế phải thiết lập thị trường các yếu tố sản xuất, thị trường đất đai.

Trọng tâm 2 là tái cơ cấu khu vực nhà nước, trong đó không chỉ đơn giản là ở mỗi khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà từ tài chính công, ngân sách nhà nước dịch vụ công, cách thức vận hành nền kinh tế hiện nay.

Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không chỉ đơn giản là cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước mà phân bổ lại danh mục tài sản và đầu tư của nhà nước, nhà nước rút khỏi kinh doanh lấy nguồn lực đó đầu tư hạ tầng. Rút khỏi chức năng kinh doanh làm nhiệm vụ khác đúng chức năng của nhà nước.

Tái cơ cấu ngân hàng trọng tâm ưu tiên phải xử lý nhanh dứt điểm nợ xấu, tách rời ra những tổ chức gây nợ xấu. Theo PGS TS Trần Đình Thiên, Việt Nam vẫn phải ráo riết tái cơ cấu, nhưng là tái cơ cấu theo hướng hội nhập hiện đại, bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập.

Chỉ có như vậy, nền kinh tế mới tránh khỏi lặp lại tình thế “hậu WTO”, để có năng lực thực thi hội nhập và thật sự dựa vào hội nhập để tiến lên.

“10 năm qua, một lượng tiền khổng lồ đã được đưa ra nền kinh tế nhưng phần lớn lại đổ vào đầu cơ, kinh doanh tài sản, làm méo mó thị trường. Không ngạc nhiên khi lãi suất trên thị trường là gần 10% một năm nhưng người có vốn gửi ngân hàng đều nhận về khoản lợi thấp hơn nhiều... Việc đầu cơ tài sản diễn ra quá dễ dàng. Tiền được đổ vào bất động sản, kinh doanh tài sản với hy vọng thị trường tài chính sẽ “nóng” trong tương lai, nhằm tìm cơ hội làm giàu trở lại... Khi đó nợ xấu sẽ càng phình to. Nợ xấu lúc này ở các ngân hàng khó mà giải quyết và nguồn lực không được dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự”- TS Huỳnh Thế Du - Giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

Để tái cơ cấu giai đoạn 2 thành công, TS Nguyễn Đình Cung đề xuất trật tự chính sách cần thay đổi theo hướng:

- Chấm dứt ngay thực tế “sáng ngủ dậy, nhà nước đã mất hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ” bằng cách chấm dứt hoạt động, cho phá sản các doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản.

- Chấm dứt sự suy giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản, trước hết là khu vực nhà nước.

- Nâng cao hiệu quả vốn, tài sản của nền kinh tế, nhất là trong khu vực nhà nước; huy động vốn, nguồn lực xã hội. Bởi vì: Khi hiệu quả vốn đang thấp, có xu hướng giảm, thì sẽ mang bệnh “nghiện đầu tư”, đến lúc phá vỡ các cân đối lớn và bất ổn kinh tế vĩ mô; lòng tin vào chính sách càng giảm, kỳ vọng khủng hoảng tăng, người dân không sẵn sàng bỏ thêm vốn vào các kênh đầu tư; đầu tư mang tính đầu cơ ngày càng tàng. Nên có muốn huy động, cũng không thể huy động được, và cái giá cho huy động vốn sẽ trở nên ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nhập để đi lên

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO