Hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Việt Nam

Th. Mai 24/02/2017 12:03

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải cách để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nền kinh tế thị trường và xác định hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội phát triển hài hòa cho người dân.

Bà Lubna Olayan và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao đổi với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của châu Á.

Như tin đã đưa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn mùa xuân năm 2017 do Hội đồng kinh doanh châu Á tổ chức tối ngày 23/2 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Lubna Olayan, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh châu Á cho biết, việc lựa chọn Việt Nam để tổ chức Diễn đàn là bởi Hội đồng ấn tượng với những tiến bộ tích cực của Việt Nam trong việc phục hồi vượt bậc thoát khỏi sự khủng hoảng kinh tế thế giới và đạt mức tăng trưởng cao ổn định suốt trong 5 năm gần đây. Hội đồng Kinh doanh châu Á cũng đánh giá cao quyết tâm chiến lược của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước bền vững và đồng đều, trở thành một nền kinh tế trẻ, năng động với nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ.

Tại diễn đàn, bà Lubna Olayan và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc trao đổi với các lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của châu á trong các lĩnh vực công nghệ, thương mại- dịch vụ, tài chính liên quan tới các chính sách phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi về việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng quyết định trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump không đồng nghĩa với sự suy giảm của quan hệ thương mại, đầu tư của Mỹ và Việt Nam. Tuy TPP có thể không được thực thi nhưng các tiêu chí, tiêu chuẩn mà hiệp định này đặt ra luôn là mục tiêu mà các bên quan tâm, kể cả việc làm “sống lại” một hiệp định thương mại tự do khác như TPP.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết hiện nay Việt Nam là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ký kết nhiều FTA với các nước khác như hiệp định FTA VN - EU và đang thúc đẩy để thông qua và các Hiệp định VKFTA, RCEP, VN - Israel.

“Việt Nam chủ động hội nhập để tận dung cơ hội phát triển do hội nhập mang lại, đồng thời đẩy mạnh cải cách trong nước, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế là chủ trương nhất quán và xuyên suốt”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Trả lời thêm về quan điểm của Việt Nam về Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP hay còn là ASEAN+6 với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá đây là hiệp định thương mại tự do có quy mô dân số lớn nhất thế giới và chiếm khoảng 30% tổng GDP toàn cầu. “Chúng tôi tin rằng hiệp định này sẽ tạo ra nhiều thuận lợi thương mại, thu hút thêm đầu tư, hài hòa các tiêu chuẩn thương mại, sản xuất chắc chắn sẽ giúp đầu tư kinh doanh rất thuận lợi không chỉ cho khu vực mà cả Việt Nam. Sau khi đi vào thực thi thì các nhà đầu tư, doanh nghiệp không chỉ đến với Việt Nam mà đến với thị trường rộng lớn như vậy”, Phó Thủ tướng nói.

Trong mối quan tâm về sự phát triển, thịnh vượng của mỗi quốc gia, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhắc tới một nội dung quan trọng mà diễn đàn đề cập là tính “bền vững” của phát triển khi Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng để dựa vào sáng tạo, năng suất, chất lượng và hiệu quả, không vì tăng trưởng kinh tế mà hy sinh môi trường hay công bằng xã hội. Đồng thời Nhà nước Việt Nam sẽ thực hiện tốt chức năng kiến tạo để người dân trở thành chủ thể chính để vận hành mô hình kinh tế mới này và tất cả người dân được hưởng lợi từ sự tăng trưởng bền vững.

Nhấn mạnh yếu tố con người có tính chất quyết định đối với sự phát triển của quốc gia, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhắc lại quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tuyển chọn nhân sự, cán bộ trong cơ quan nhà nước và cả doanh nghiệp là “chọn người tài chứ không chọn người nhà” để thực sự hỗ trợ hiệu quả nhất cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh,…

Trên quan điểm về chuyển đổi tư duy và mô hình tăng trưởng, mục tiêu và các giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh với các nhà đầu tư về quyết tâm phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ đi liền với đổi mới giáo dục, hoàn thiện thể chế kinh tế và hạ tầng là các vấn đề quan trọng, có tầm chiến lược với Việt Nam; kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển các lĩnh vực trên tại Việt Nam.

“Việt Nam chào đón các nhà đầu tư, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhưng chính sách của Việt Nam sẽ thu hút đầu tư trực tiếp chọn lọc hơn, đáp ứng được công nghệ tốt, bất kể là nước nào, có quản trị tốt,nhất là các doanh nghiệp có sẵn chuỗi giá trị toàn cầu sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp nội địa”, lãnh đạo Chính phủ khẳng định.

Trả lời câu hỏi của một nhà đầu tư về mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Trung quốc là nền kinh tế thứ nhì thế giới, được nhìn nhận không chỉ là một quốc gia lớn mà còn là một thị trường lớn. Trong các chuyến tiếp xúc, làm việc của nguyên thủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc, hai bên đã đã đề cập tới kết nối hai nền kinh tế trong đó có kết nối chiến lược, kết nối năng lực sản xuất,… Những đề xuất mà Trung quốc đưa ra thì Việt Nam đang xem xét rất tích cực. Việt Nam mong muốn nhiều nhà đầu tư trên thế giới, trong đó có Trung Quốc thể hiện được công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường khi đến đầu tư tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hội nhập kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO