Hướng đến kinh doanh liêm chính

Duy Phương - Vân Nhi (thực hiện) 20/11/2016 09:00

Để xây dựng được môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa DN lớn và DN nhỏ tạo tiền đề cho một nền kinh tế phát triển bền vững, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, một trong số đó là phấn đấu xây dựng một Chính phủ liêm chính, nói “không” với tham nhũng, tiêu cực.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh.

Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) kiêm Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế (VCCI) xoay quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hiện nay, một số cán bộ sử dụng quyền lực quản lí để gây sức ép lên DN, gây bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh?

LS Trần Hữu Huỳnh: Trước hết, chúng ta cần phải nhìn từ hai góc độ. Thứ nhất, một số bộ ngành, địa phương trong mối quan hệ với DN vẫn phải thực hiện vai trò chức năng quản lý phần vốn Nhà nước tại các DN, dù muốn hay không vẫn phải làm cho DN đó sinh lời. Và như vậy, vì nguyên tắc bảo toàn vốn chủ sở hữu Nhà nước, họ có thể có những quyết định bị những động cơ, ý thức chi phối. Trong trường hợp đó, các quyết định đó của người làm chính sách và sẽ bị nghiêng về một nhóm DN lớn, đặc biệt là nhóm DN Nhà nước. Thứ hai nữa, cũng không loại trừ tâm lý cho DN nhà nước, ưu tiên DN Nhà nước. Như vậy, có sự không tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng quản lý DN. Chính vì thế, đôi khi, buộc họ phải đưa ra những quyết định khiến cho các DN nhỏ không được hưởng lợi.

Theo ông, cách quản lý như vậy hay nói đúng ra là sự lạm quyền đó sẽ tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh?

Pháp luật đều có các quy định cấm và những quy định không được phép làm. Ví dụ, trong lĩnh vực cạnh tranh, điều 6 Luật Cạnh tranh quy định rõ các cơ quan quản lý không được vi phạm các quy định trong Luật Cạnh tranh. Hay có quy định rất rõ là trong cạnh tranh các cơ quan nhà nước không được can thiệp vào thị trường, ra quyết định không đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, phân biệt đối xử, gây ảnh hưởng đối với DN hay chủ đầu tư này để có lợi cho một DN hay chủ đầu tư khác….

Lạm quyền, thể hiện rất nhiều khía cạnh, có lạm quyền trong xây dựng, thực thi chính sách, trong ban hành chính sách, cũng có thể có việc nhóm này, nhóm kia “lobby”. Ví dụ, các rào cản gia nhập thị trường, chúng ta thấy rõ, về lý thuyết anh dùng các chiêu bài nói rằng để bảo vệ người tiêu dùng nhưng thực tế là dựng lên những rào cản để DN nhỏ không gia nhập được thị trường. Những rào cản về vốn, vốn pháp định, cơ sở vật chất, nhân lực, con người… tất cả những cái đó, DN nào đã yên trên thị trường rồi thì sẽ có được một lợi thế nhất định, còn những DN mới vào thì rất khó khăn.

Lạm quyền cũng diễn ra trong các quyết định cụ thể, chẳng hạn “anh” chỉ định mua bia của công ty này, mua xi măng của công ty kia hay vận động sử dụng một dịch vụ cụ thể đều tác động lên thị trường. Và tất nhiên, nó ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh giữa các DN trong môi trường kinh doanh. Nhiều DN vì không thể cạnh tranh nổi với những DN lớn buộc phải phá sản.

Hiện nay, Chính phủ đang quyết tâm xây dựng “Chính phủ liêm chính”, vậy những hiện tượng nói trên sẽ cản trở thế nào đến mục tiêu thực hiện chủ trương trên, thưa ông?

Chính phủ đang nhấn mạnh đến hai yếu tố: Kiến tạo và liêm chính. Thực hiện chức năng kiến tạo có nghĩa là nhà nước không làm những việc DN, người dân làm. Khi nhà nước không làm thì vị thế đó, chức năng đó sẽ hạn chế rất nhiều các hành vi “không liêm chính”.

Có câu chuyện, ông vừa kinh doanh, vừa đi buôn, vừa làm chính sách hay tay này giao hàng, tay kia thì ký quyết định. Việc “tay này giao hàng tay kia ký quyết định” thì khả năng làm cho nó trở lên liêm chính là rất khó khăn. Bởi vậy, cần phải giải phóng cho cán bộ công chức cơ quan nhà nước khỏi nghĩa vụ “một tay làm mấy việc”, như vậy mới mong có thể liêm chính được.

Khi đã thực hiện được “kiến tạo” rồi, thì liêm chính ở đây là gì? Liêm chính thể hiện ở các chính sách mà từ những chức năng kiến tạo của nhà nước phải thể hiện được tính minh bạch, để không bị các nhóm lợi ích chi phối. Nhưng Chính phủ đồng thời cũng phải làm một nhiệm vụ là thực thi chính sách. Kiến tạo chính sách rồi, thì chính sách đó phải minh bạch, phải khả thi, hợp lý, cả quy trình làm chính sách đó phải “trong suốt” và có sự tham gia phản biện của tất cả các giới. Như vậy, kiến tạo là phải dân chủ hóa đời sống xã hội.

Tiếp đến là thực thi chính sách. Chính sách đã rõ ràng nhưng khi anh thực thi vẫn có thể bị lạm dụng. Cho nên, khi nói đến vấn đề liêm chính là liêm chính cả trong xây dựng chính sách cũng như thực thi chính sách. Và theo đó, liêm chính phải dựa trên các nguyên tắc: Một là phải xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật hướng cán bộ công chức đến việc chỉ làm những gì luật cho phép.

Hai là, phải có hệ thống tổ chức giám sát để tránh việc người thực thi chính sách bị lạm dụng.

Ba là, phải có mối quan hệ tương tác giữa cộng đồng kinh doanh; có giám sát, phản biện của cộng đồng doanh nghiệp và báo chí, để luôn luôn đặt Chính phủ trong tình trạng “được giám sát, được phản biện, được kiểm tra và được quyền khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách công bằng”.

Ông đánh giá thế nào về những hành động của Chính phủ trong việc thực hiện liêm chính trong môi trường kinh doanh hiện nay?

Tôi cho rằng, hướng đi hiện nay là rất đúng. Chúng ta đang có những chính sách lớn của Đảng, các quyết sách lớn của Chính phủ, trong đó: một là giảm dần đầu tư công, giảm dần sự can thiệp vào một số lĩnh vực và chỉ tập trung vào làm những lĩnh vực mà người dân, DN không làm được.

Thứ hai, Chính phủ cũng đang nỗ lực để làm sao giảm bớt đi các điều kiện kinh doanh gây cản trở DN, tự do hóa hơn nữa việc gia nhập thị trường để người dân, các DN nhỏ và vừa có thể tham gia thị trường một cách bình đẳng và thuận lợi hơn.

Thứ ba, trên thị trường, các quy định hành chính cố gắng giảm thiểu đến mức thấp nhất và minh bạch đến mức cao nhất… Việc đưa ra Nghị quyết 19 trên cơ sở so sánh Việt Nam với các nước trong khu vực, đặt mức độ phấn đấu của Việt Nam trong việc đánh giá thuận lợi của môi trường kinh doanh (Nghị quyết 19 lấy tiêu chí cơ bản của Doing Business của Ngân hàng Thế giới – PV) và dựa vào những tiêu chí đó làm mục tiêu để hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh…

Quá trình thực hiện như vậy, về mặt phương pháp có hai điểm rất hay:

Một là, lấy cảm nhận, thái độ hài lòng của người dân và DN để đánh giá chất lượng của Chính phủ.

Hai là, lấy những tiêu chuẩn của những tổ chức quốc tế giữ vị trí đầu về môi trường kinh doanh áp vào thực hiện ở Việt Nam để cải cách song hành.

Tôi cho tất cả những bước đi đó của Chính phủ hiện nay là hướng đi rất đúng đắn. Từ đó Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng một môi trường kinh doanh thực sự bình đẳng trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hướng đến kinh doanh liêm chính

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO