Khi nông dân tìm đầu ra cho hoa Tết

Đoàn Xá 02/12/2015 08:05

Thay vì làm ăn tự phát như nhiều năm qua, hiện nay, nhiều nông dân trồng hoa, kiểng phục vụ tết Bính Thân ở Bến Tre, Tiền Giang… đang thay đổi cách làm ăn. Họ liên kết với các cơ sở buôn bán, thương lái mời mua hàng trước để tránh tình trạng bấp bênh về giá cả như trước đây. Ngoài ra, với nhiều loại hoa, kiểng mới, lạ cũng hứa hẹn một mùa hoa tết nhiều niềm vui.

Nông dân ở Chợ Lách đang hối hả cho vụ hoa tết Bính Thân. Ảnh: Ứng Hòa.

Mùa hoa kiểng tết ở các xã Sơn Định, Vĩnh Thành, Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) đang bước vào giai đoạn khá nhộn nhịp. Do là làng nghề lâu năm nên hầu hết các hộ gia đình ở đây đều tham gia trồng kiểng. Ngoài các loại cây truyền thống dịp tết như tắc, mai, cúc mâm xôi, cúc vạn thọ…, theo ghi nhận, năm nay có nhiều loại hoa kiểng mới, nhập từ nước ngoài về như các loại địa lan, hồng pháp, tuy lip, lily, moka…

Ông Hóa, một người trồng hoa lâu năm ở ấp Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) cho biết, gia đình ông trồng hoa từ nhiều năm nay, thường bắt đầu từ đầu tháng 11 là đã tìm hiểu thị trường, giống, vốn để có kế hoạch. “Tết này, gia đình tôi đầu tư hơn hơn 60 triệu đồng để mua giống, chậu và phân bón cho hơn 2.000 chậu cúc mâm xôi, gần 500 chậu mai kiểng thế và một số loại hoa khác. Cúc và mai thì quá nửa đã bán hết cho bạn hàng rồi, giờ chỉ chăm sóc sao cho chúng nở đúng dịp tết nữa mà thôi”, ông Hòa cho biết thêm.

Ngoài các loại hoa, kiểng phổ biến nhiều người trồng hoa lâu năm đã có những cách làm mới như đưa một số loại cây như ổi, cà chua, dâu tây… để làm kiểng. Đây được cho là hướng đi mới mà nhiều nhà vườn ở khu vực Chợ Lách đang tìm tòi với hi vọng mang đến nhiều bất ngờ cho thị trường hoa tết sắp tới. Theo một số nhà vườn khác ở đây, bên cạnh việc trồng các loại cây, hoa kiểng đặc trưng dịp tết thì sáng tạo các loại kiểng lạ, độc cũng được các nhà vườn trồng thêm như một hướng đi mới, nếu các loại hoa kiểng cũ không đắt hàng.

Tương tự, nhiều nhà vườn ở xã Mỹ Phong (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng đang tất bật cho vụ tết Bính Thân này. “Năm nay thời tiết khá thuận lợi vì mùa mưa kéo dài nên người trồng hoa đỡ lo lắng và ít tốn chi phí hơn. Giờ đang là giai đoạn gieo hạt, trồng cây nên lượng mưa rất quan trọng. Ở Mỹ Phong hầu hết nông dân đều trồng mai, tắc và các loại cúc, chủ yếu phục vụ thị trường bình dân”, một chủ vườn kiểng ở đây cho biết.

Ông Dương Văn Huyền, Chủ nhiệm hợp tác xã cây cảnh Cái Mơn (huyện Chợ Lách) cho biết, năm nay hợp tác xã liên kết với nhiều khu vực TP.Hồ Chí Minh để bán hoa, kiểng. Bên cạnh thị trường là chợ hoa truyền thống, việc bán hàng trực tiếp qua các đại lý, qua mạng cũng đang được nông dân đẩy mạnh, làm đa dạng thị trường.

Ngoài việc bán, ngay cả khâu mua giống, đặc biệt là giống ngoại nhập cũng được bà con nông dân liên kết lại. Chị Thanh, một chủ vườn hoa ở xã Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách) cho biết, năm nay nhà chị trồng 2000 nhánh lan, 1000 chậu hoa ly. Tất cả đều là mua mô ở nước ngoài về bằng hình thức mấy chục hộ dân góp vốn, mua mô sau đó về trồng. Cách làm này vừa có uy tín với đối tác, lại vừa đảm bảo không bị ép giá. Được biết, hầu hết các mô hoa kiểng đều được nhập từ Canada, Hà Lan… là những loài hoa lạ, màu sắc bắt mắt, chưa xuất hiện nhiều nên chắc chắn sẽ được ưa chuộng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, toàn tỉnh có khoảng gần 10 ngàn hộ dân trồng hoa, hầu hết tập trung ở huyện Chợ Lách. Mặc dù vẫn xảy ra tình trạng giá cả lên xuống, hoa kiểng bị ảnh hưởng của thời tiết nhưng hầu hết các hộ dân trồng hoa đều có lãi. Năm nay, địa phương có kế hoạch tổ chức chợ hoa, liên kết với các chợ hoa ở khu vực TP. Hồ Chí Minh để tìm thêm đầu ra, đảm bảo thị trường cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi nông dân tìm đầu ra cho hoa Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO