Khó đòi nợ thuế Uber

Hồ Hương 12/04/2018 07:30

Đang nợ cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đến 54 tỷ đồng, bất ngờ Uber Việt Nam “về một nhà” với Grab. Câu chuyện thuế tiếp tục được mở ra: Việt Nam sẽ đòi thuế như thế nào?

Khó đòi nợ thuế Uber

Truy thu tiền thuế mà Uber còn nợ Cục thuế TP HCM đang được xem là việc khó khăn.

Đến thời điểm 25/3/2018, Grab đã mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Uber chấp nhận chuyển giao lại cho Grab toàn bộ mảng kinh doanh của mình tại khu vực Đông Nam Á, đổi lại, Uber sẽ nắm 25% - 30% cổ phần trong công ty mới sau sáp nhập. Từ đây vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc truy thu khoản tiền thuế 53,3 tỉ đồng mà Uber còn nợ Cục thuế TP HCM.

Đại diện phía Grab cho rằng, Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó không phải chịu trách nhiệm trả khoản nợ 53 tỷ đồng của Uber đang nợ Cục Thuế TP HCM. Vậy khoản thuế 54 tỷ đồng này sẽ được xử lý như thế nào? Phía cơ quan thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sẽ không có chuyện Cục thuế TP HCM để thất thu khoản thuế này. Hiện tại cơ quan thuế đang chờ các bên hoàn tất thủ tục chuyển nhượng theo đúng nguyên tắc pháp lý và yêu cầu các đối tượng thực hiện nghĩa vụ thuế. Cục Thuế TP HCM cũng đã có công văn yêu cầu Uber ở Hà Lan thực hiện nghĩa vụ thuế còn lại ở đây (bao gồm thanh tra, kiểm tra và phát sinh).

Cục thuế TP HCM cũng cho rằng, đối với việc quản lý của cơ quan thuế thì trách nhiệm thuế là cố định, còn đối tượng thực hiện thì tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các bên. Việc chuyển nhượng này, hai bên thực hiện theo đúng các thủ tục pháp lý, đến khi nào hoàn tất thủ tục thì đương nhiên cơ quan thuế sẽ xem nghĩa vụ của Uber trong chuyển nhượng. Theo Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, với những thông tin được cập nhật, không phải toàn bộ Công ty Uber sẽ sáp nhập vào Grab mà chỉ là một mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á. Uber vẫn tồn tại và hoạt động độc lập tại những thị trường khác. Do không có sự sáp nhập về mặt pháp nhân, nên việc kế thừa của Grab đối với các quyền và nghĩa vụ trước đây mà Uber đang nợ đọng với các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ cần phải quy định rõ trong Hợp đồng sáp nhập giữa Uber và Grab.

“Theo cá nhân tôi, khả năng cơ quan quản lý thuế tại Việt Nam phải sang tận Hà Lan để đòi nợ là rất cao bởi nhiều lý do. Thứ nhất, tư cách pháp nhân của Uber vẫn còn tồn tại nên nếu trong hợp đồng giữa Uber và Grab không quy định về việc chuyển giao cả nghĩa vụ nộp thuế thì mặc nhiên hiểu là Uber Hà Lan vẫn là người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế. Thứ hai, theo quy định của Bộ Luật Dân sự Việt Nam, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ cho người thế nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý (Điều 370). Nghĩa là, nếu Uber muốn chuyển nghĩa vụ nộp thuế cho Grab thì phải có sự đồng ý của cơ quan thuế Việt Nam. Trên thực tế thì chưa thấy ai nói về điều này” – LS Phong phân tích.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc truy thu 54 tỷ đồng tiền thuế Uber nợ Cục thuế TP HCM phụ thuộc rất lớn vào các điều khoản hợp đồng mà Uber và Grab ký với nhau. Với những dữ liệu hiện tại, do Uber Việt Nam đóng cửa nên không còn pháp nhân tại đây vậy Việt Nam muốn đòi được thuế thì phải đòi Uber Hà Lan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó đòi nợ thuế Uber

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO