Khoán xe công: Kết quả không như mong đợi

H.Hương 15/08/2018 08:00

Việc khoán kinh phí sử dụng ô tô công đã được Bộ Tài chính triển khai gần 2 năm qua. Nhiều người cho rằng, đây là việc nên làm để thực hành tiết kiệm. Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ chế khoán xe công đã không như mong đợi.

Khoán xe công: Kết quả không như mong đợi

Đồ họa: Dũng Choai.

20 bộ, ngành khoán xe công

Từ tháng 8/2015, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 32/2015 quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý và sử dụng ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Từ đó chủ trương khoán xe công đã được thực hiện và triển khai nhân rộng ra nhiều bộ ngành, một số địa phương.

Đến ngày 1/10/2016, Bộ Tài chính ban hành quyết định quy định về chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho các chức danh từ Thứ trưởng đến các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương). Có thể nói Bộ Tài chính đã đi đầu áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc hàng ngày đối với các chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch hội đồng quản trị, Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các doanh nghiệp có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến nơi làm việc.

Sau đó ít lâu, nhiều bộ ngành cũng như nhiều thành phố (chủ yếu là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) đã mở rộng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, kinh phí khoán xe cho các Thứ trưởng cao nhất kinh phí hàng năm bỏ ra không quá 120 triệu đồng/người, trong khi để duy trì hoạt động một ô tô phục vụ chức danh bao gồm cả lái xe mỗi năm bình quân tốn tới 320 triệu đồng/xe. Như vậy, tính ra trung bình mỗi xe có thể tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng. Và nếu tính ở phạm vi toàn quốc, mỗi năm ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng để phục vụ các chương trình an sinh xã hội khác. Nghĩ là to vậy, nhưng thực ra, số lượng xe công đối với các chức danh lãnh đạo cao cấp, từ bộ trưởng hoặc tương đương trở lên không nhiều.

Thống kê của Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có gần 20 bộ, ngành thực hiện thí điểm khoán xe công như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng…

Hà Nội cũng áp dụng thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (từ ngày 20/2/2017) tại 8 cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của thành phố, gồm 4 sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội; 2 quận (Long Biên, Hà Đông); 2 huyện (Gia Lâm, Thanh Trì). Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là 1,771 tỷ đồng, trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng.

Tại TP HCM, việc thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được triển khai từ tháng 5/2018 tại 5 đơn vị của thành phố (Văn phòng UBND thành phố, Sở Tài chính, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, UBND Q.Bình Thạnh, UBND H.Bình Chánh). Việc khoán kinh phí xe công chỉ áp dụng đối với trường hợp đưa đón từ nơi làm việc đến nơi công tác. Theo tính toán của TP HCM, việc khoán xe công sẽ giúp tiết kiệm ngân sách hơn 100 triệu đồng/tháng, tương đương 1,2 tỷ đồng/năm cho 5 đơn vị thực hiện thí điểm mà vẫn đảm bảo đáp ứng đủ số km thực tế sử dụng và nhu cầu.

Như vậy có thể thấy rằng, việc khoán xe công tưởng chừng như có thể tiết kiệm ngân sách một khoản lớn song kết quả không như mong đợi. Chưa kể mô hình khoán chi phí này chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ đi cùng, nên cũng khó xác thực được tác dụng đã mang lại.

Khoán xe công: Kết quả không như mong đợi - 1

Sau thí điểm khoán xe công ở 5 đơn vị, TP HCM có thể sẽ triển khai đồng bộ vào năm 2019.

Khoán, nhưng xe công vẫn tăng lên

Trong báo cáo gửi Quốc hội vào hồi tháng 5/2018 về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2017 cho biết, năm 2017, số ô tô công tăng do mua mới, tiếp nhận là 2.604 chiếc, với tổng nguyên giá 2.265 tỷ đồng. Trong đó số xe mua mới là 1.081 chiếc, giá trị 1.030 tỷ đồng. Như vậy, dù thực hiện khoán xe công từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, số lượng xe công vẫn không giảm là bao nhiều, thậm chí ngân sách vẫn phải chi ra để mua xe mới.

Giới chuyên gia còn cho rằng, nhiều bất cập trong quản lý xe công vẫn diễn ra. Tình trạng lạm dụng xe công, bất chấp các quy định hiện vẫn diễn ra thường xuyên. Chưa kể nhiều cá nhân sau về hưu vẫn chưa bàn giao xe cơ quan.

Mới đây, theo văn bản của Bộ Tài chính, khi xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2019, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải triệt để tiết kiệm, hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Bộ Tài chính cũng yêu cầu dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, mở rộng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, lễ hội, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại gắn với cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khoán xe công: Kết quả không như mong đợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO