Khởi nghiệp thành công: Ý tưởng + vốn thôi, chưa đủ

An Bình 03/11/2019 08:20

Không phủ nhận, làn sóng khởi nghiệp (start up) đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, những con số như chỉ có 1% start up thành công, và có đến hơn 80% doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp thất bại sau khi bước chân vào thương trường chỉ trong một thời gian ngắn đã khiến cho không ít doanh nhân trẻ cảm thấy nản lòng. Thực tế cho thấy, khởi nghiệp từ con số 0 hay dựa trên nền tảng sẵn có đều không hề đơn giản...

Khởi nghiệp thành công: Ý tưởng + vốn thôi, chưa đủ

Thông tin chuỗi cửa hàng Món Huế bị sụp đổ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Cần ở start up nhiều hơn ý tưởng

Điểm chung của tinh thần khởi nghiệp ở tất cả các DN bắt đầu bước chân vào thương trường, đó là sự nhiệt tình, hừng hực khí thế, cảm thấy như không có gì có thể dập tắt được ý tưởng của họ, cho dù số vốn trong tay không phải là nhiều. Thế nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn, cái “khí thế hừng hực đó” bắt đầu trùng xuống rồi dần dần tắt hẳn. Con số chỉ 1% start up thành công là một minh chứng rõ rệt cho điều này. Song, kinh nghiệm của những DN thành công cho thấy: Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các start up không được phép nản lòng. Một nhà đầu tư Hàn Quốc kể về trường hợp một doanh nhân trẻ Việt Nam khi tìm đến ông để đề nghị được vay vốn đầu tư một cửa hàng ăn uống với số tiền là 20 triệu đồng. Nhà đầu tư đặt một loạt câu hỏi: Địa điểm như thế nào? Đầu bếp ra sao, kế hoạch phục vụ, giá cả cũng như dự kiến doanh thu, và quan trọng là sau bao lâu thì lấy được vốn ban đầu? Tuy nhiên những câu hỏi này vị doanh nhân trẻ kia đều không trả lời được.

“Bất cứ một start up nào cũng vậy, khi bước chân vào khởi nghiệp, ý tưởng là một khía cạnh, nhưng quan trọng hơn là anh phải xây dựng được dự án kế hoạch kinh doanh của mình, phải có sự chuẩn bị rất kỹ về chiến lược kinh doanh sau khi đã nghiên cứu kỹ thị trường, đối thủ cạnh tranh, và quan trọng nhất là khả năng quản trị… Chứ không đơn giản anh chỉ cần vốn và ý tưởng thôi là đủ” – nhà đầu tư Hàn Quốc chia sẻ. Tuy nhiên, theo vị này, sau đó một thời gian khá lâu, vị doanh nhân trẻ kia quay lại và đưa ra các đáp số cho những câu hỏi về bài toán kinh doanh mà ông đã từng đặt ra, kết quả là, anh ta đã nhận được số vốn mà anh ta mong muốn.

Ở một diễn biến khác. Những ngày qua, thông tin chuỗi cửa hàng Món Huế bị sụp đổ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Đây là chuỗi cửa hàng đã xây dựng được thương hiệu trong nhiều năm trở lại đây và được người tiêu dùng nhiều nơi trên cả nước biến đến. Món Huế là một trong những chuỗi kinh doanh thuộc công ty Huy Nam - một DN lớn với số tiền được rót vào từ một số quỹ đầu tư nước ngoài lên đến hàng chục triệu USD. Câu hỏi đặt ra là: Một thương hiệu lớn mạnh như vậy vẫn có thể sụp đổ thì những start up với số vốn mỏng manh và chiến lược kinh doanh chưa hoàn thiện, khả năng quản trị chưa “dày dạn” nếu không muốn nói là chưa có… liệu có thể trụ vững được hay không?

Sốt sắng quá cũng thất bại

Quay trở lại với thương hiệu Món Huế của Huy Nam, đây là chuỗi cửa hàng đã mở rộng quy mô mạnh mẽ khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam. Không chỉ có Món Huế, Huy Nam còn nổi tiếng với các thương hiệu Phở Ông Hùng, Cơm Thố Cháy…

Khởi nghiệp thành công từ năm 2007, DN Huy Nam nhận được rất nhiều nguồn quỹ đầu tư với số vốn không hề nhỏ, thậm chí có nhà đầu tư Mỹ còn khẳng định sẽ rót thêm vốn cho DN này sau khi đã đầu tư vào đó 15 triệu USD. Tuy nhiên, sau một thập niên tạo dựng được thương hiệu, chuỗi nhà hàng của Huy Nam bắt đầu đi vào “bóng tối”, loạt cửa hàng dừng hoạt động, DN bị tố nợ lương, chậm thanh toán cho nhà cung cấp. Và trong 2 năm 2017- 2018, khoản lỗ 50 tỷ đồng liên tiếp đã khẳng định chuỗi cửa hàng ăn uống của Huy Nam khó có thể đứng dậy được.

Nhiều người phàn nàn về chất lượng đồ ăn, không gian nhà hàng, nhưng quan trọng nhất là thái độ phục vụ… đã khiến cho họ - những thượng đế yêu quý Món Huế một thời – đã không muốn quay lại chuỗi nhà hàng này thêm lần nào nữa.

Giới chuyên gia nhận định, bất kỳ một DN nào cũng vậy, cho dù khởi nghiệp đã thành công, họ cũng cần phải lưu tâm đến việc duy trì, giữ vững thương hiệu của mình bằng chữ tín. Chữ tín ở đây chính là chất lượng sản phẩm và khâu phục vụ. Và tất nhiên, điều này đòi hỏi vào khả năng quản trị của người đứng đầu DN.

“Thành công nhưng quá sốt sắng, phát triển quá nóng trong khi chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ cũng như hệ thống quản lý không theo kịp chính là nguyên nhân khiến cho Món Huế sụp đổ” - chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú nhận định khi nói về “số phận” của Món Huế đã một thời nổi danh trên thương trường.

Nói về tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, ông Phú cho rằng, với các DN hiện nay, đặc biệt là các start up, ý tưởng và sự nhiệt tình là quan trọng, tâm huyết cũng rất cần, song khi đã khởi nghiệp thành công bước đầu, bản thân mỗi DN cần phải làm tốt công tác quản trị doanh nghiệp và tài chính , chất lượng dịch vụ hàng hóa, dịch vụ… để làm sao luôn giữ vững được chữ tín. “Chữ tín là yếu tố quan trọng quyết định được “tuổi thọ” của DN” – ông Phú nhấn mạnh và cho rằng, thương trường không bao giờ chấp nhận những DN khởi nghiệp làm ăn một cách chụp giật, kém chất lượng, trốn thuế, và để mất niềm tin của khách hàng. “Các bạn trẻ nếu muốn khởi nghiệp thì hãy đi sâu vào cuộc sống kinh doanh quản lý của những DN đi trước để học tập những kinh nghiệm quý báu một cách nghiêm túc để sau này có thể tự lập phát triển những DN theo chuỗi của mình” – vị chuyên gia khuyến cáo.

Trên thương trường hiện nay, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những start up bước đầu không thành công, nhưng sau đó với sự nỗ lực của mình họ lại đứng dậy một cách vững vàng và phát triển mạnh mẽ. Giới chuyên gia nhận định: Khởi nghiệp từ con số 0 hay đã có sẵn nền tảng thành công cũng đều không dễ dàng. Chuỗi nhà hàng của Huy Nam là một minh chứng rõ rệt cho điều này. Bởi cùng một lúc, DN phải giải hàng loạt những vấn đề hóc búa như vốn, nguồn nhân lực, chiến lược kinh doanh.

Với kinh nghiệm của một start up trẻ đã “kinh qua” nhiều năm trên thương trường, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Digital Retail - cho rằng: Các start up hiện nay, nếu đã vượt qua được những rào cản ban đầu và quyết tâm khởi nghiệp rồi, thì với vị trí một người lãnh đạo khi đó phải luôn xác định rõ, bạn đại diện cho ai và cần phải làm gì. “Start up cần phải thực sự dũng cảm và cương quyết trong các vấn đề liên quan sự sinh tồn và phát triển của doanh nghiệp dù là doanh nghiệp to hay rất nhỏ” - ông Bảo nói và nhấn mạnh: “Người lãnh đạo tài năng là người không trốn tránh trước thực tế giảm sút, biết lường trước những kịch bản xấu nhất có thể xảy ra với doanh nghiệp mình. Và cuối cùng, là khả năng lập kế hoạch và làm việc theo nhóm. Người lãnh đạo là người luôn nhìn thấy những việc cần làm và có khả năng giúp tập thể lập kế hoạch cho mỗi dự án kinh doanh”.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng: Môi trường kinh doanh đã và đang thúc đẩy tinh thần start up mạnh mẽ, song để khởi nghiệp thành công, ý tưởng và nguồn vốn thôi là chưa đủ, quan trọng là bản thân mỗi DN cần phải trang bị cho mình những kinh nghiệm kinh doanh, khả năng quản trị để có thể đối phó được với các đối thủ cạnh tranh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bên cạnh đó cũng cần một môi trường kinh doanh luôn tạo sự hứng khởi cho các start up.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khởi nghiệp thành công: Ý tưởng + vốn thôi, chưa đủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO