Không để nguồn lực xã hội bị đóng băng

H.Vũ 24/07/2019 08:00

Từ phản ánh của nhiều doanh nghiệp sau 5 năm triển khai Luật Phòng, chống rủi ro thiên tai năm 2013 và Nghị định 94/2014/NĐ-CP năm 2014, góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của Quỹ phòng chống thiên tai và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng chống rủi ro thiên tai.

Không để nguồn lực xã hội bị đóng băng

Quỹ phòng chống rủi ro thiên tai chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Có địa phương chỉ thu chứ không chi

Nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) phản ánh có DN phải nộp hàng trăm triệu đồng cho quỹ này, bao gồm cả nghĩa vụ của chính doanh nghiệp và nghĩa vụ nộp thay người lao động. Nhưng nhiều DN khác không bị thu nộp mà không rõ lý do vì sao lại có sự khác biệt. Quan trọng hơn, các DN cho rằng đang bị thu một cách bất hợp lý và không biết số tiền mình nộp đang được quản lý và sử dụng như thế nào, có hiệu quả hay không.

Điển hình theo báo cáo số 200/BC-ƯPKP của Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai ngày 25/6/2019, thì tổng số tiền thu được ở các tỉnh thành phố trong 5 năm qua là 2.360 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 là 826 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc thực hiện thu quỹ hiện nay rất kém. Thứ nhất, sau 5 năm thực hiện Nghị định 94, vẫn có 2 tỉnh thành phố không thành lập được Quỹ, có 8 tỉnh thành phố không tiến hành thu tiền cho Quỹ. Thứ hai, năng lực thu quỹ hiện nay đạt rất thấp. Theo tính toán, số tiền khả thu năm 2018 là 5.807 tỷ đồng, nhưng trên thực tế chỉ thu được 826 tỷ đồng, tức là chỉ đạt 14%.

Theo đánh giá của VCCI “việc thu quỹ yếu kém như vậy đã tạo ra một sự bất bình đẳng giữa những DN bị thu tiền và những DN không bị thu tiền, giữa DN ở tỉnh này và ở tỉnh khác”.

Liên quan đến việc sử dụng quỹ, VCCI cho rằng hiện cũng đang trong tình trạng yếu kém. Trong 5 năm qua các địa phương trên cả nước mới sử dụng 918 tỷ đồng và còn tồn dư 1.442 tỷ đồng. Như vậy, số chi mới chỉ bằng 39% tổng số thu. Nói cách khác, 1.442 tỷ đồng đáng lý ra được sử dụng trong nền kinh tế thì hiện đang bị đóng băng trong Quỹ. Nếu coi số tiền này dùng để dự trữ phòng khi có thiên tai lớn thì cũng không thực sự chính xác. Trong 5 năm qua, quỹ ở tất cả các địa phương đều có kết dư, số tiền chi trong năm luôn thấp hơn số tiền thu được trong năm đó. Như vậy, thực tiễn cho thấy nhu cầu và năng lực sử dụng quỹ rất thấp.

Thiếu công khai

Theo VCCI, trên thực tế, việc thực hiện nghĩa vụ công khai thông tin của các địa phương rất kém. Báo cáo số 200 cũng cho thấy, chỉ có 42 tỉnh, thành nộp báo cáo về việc thu và sử dụng quỹ về Cục. Tức là có nhiều địa phương không báo cáo trước cơ quan cấp trên, chứ chưa nói đến việc báo cáo trước người dân và doanh nghiệp.

Qua tiến hành tìm kiếm thông tin về báo cáo sử dụng Quỹ tại website của các địa phương, theo VCCI kết quả cho thấy, chỉ có một địa phương (Bình Dương) có báo cáo chi tiết đến từng dự án/hoạt động sử dụng quỹ để DN và người dân có thông tin để giám sát trên thực tế. Có hai địa phương (Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh) có báo cáo về số tiền chi cho các quận, huyện, đơn vị trong tỉnh, nhưng không chi tiết từng hoạt động. Tất cả các địa phương khác không có thông tin báo cáo về việc sử dụng quỹ. Như vậy, người dân và DN dù phải đóng tiền quỹ nhưng hầu như không được biết tiền của mình được sử dụng thế nào.

Từ phân tích trên, VCCI cho rằng , chính sách về Quỹ phòng chống rủi ro thiên tai hiện tại chưa mang được nhiều tác dụng như kỳ vọng, nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập. Thứ nhất, chính sách này tạo sự bất bình đẳng giữa các DN khi phổ biến tình trạng có DN phải đóng, DN không. Thứ hai, các Quỹ phòng chống thiên tai đang khiến một lượng tiền lớn (1.442 tỷ đồng) từ hoạt động kinh doanh, luân chuyển trong nền kinh tế để tạo ra giá trị thì lại thành dạng bị đóng băng, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Thứ ba, các cơ quan thực thi chính sách này chưa đáp ứng yêu cầu về minh bạch, chưa cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân và doanh nghiệp biết việc sử dụng trên thực tế như thế nào. Chính những điều này khiến nhiều DN không đồng tình, thậm chí bức xúc về Quỹ phòng chống thiên tai.

“Với những lý do trên, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiêm túc đánh giá lại hiện trạng, hiệu quả và hệ quả của chính sách Quỹ phòng chống thiên tai và bãi bỏ chính sách này trong Luật Phòng chống rủi ro thiên tai”-VCCI nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không để nguồn lực xã hội bị đóng băng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO