Không thể muộn hơn

Nhật Minh 02/03/2016 14:10

Trong khi các nước khác trên thế giới từ lâu đã biết và sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các DN của mình khỏi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu, thì ở Việt Nam, công cụ này chưa được chú trọng. Điều này đang tạo ra những bất lợi, thiệt thòi lớn cho các DN Việt.

Không thể muộn hơn

Ảnh minh họa.

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt với việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTAs) quan trọng với nhiều đối tác thương mại lớn và đặc biệt là từ cuối năm 2015, đã hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng với việc ký kết TPP vào đầu năm 2016 vừa qua. Với những FTAs và AEC này, nền kinh tế của Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn khi phải mở rộng cánh cửa cho hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt thông qua việc cắt giảm, loại bỏ thuế quan từ sau năm 2015. Xu hướng hội nhập diễn ra sôi động trên thị trường quốc tế, dẫn đến hiện trạng các nước cắt giảm hàng rào thuế quan xuống thấp hoặc 0%, nhưng ngày càng tận dụng nhiều hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại hơn. Thế nhưng, các DN trong nước có vẻ như lại rất xa lạ, thậm chí thờ ơ với các công cụ phòng vệ thương mại. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lại thường xuyên đưa ra các rào cản thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.

Số liệu của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, tính từ thời điểm năm 2004 đến nay, các DN Việt Nam đã phải đối diện với 100 vụ kiện phòng vệ thương mại từ phía các nước nhập khẩu. Trong khi đó, ở Việt Nam mới có 1 vụ điều tra chống bán phá giá và 3 vụ tự vệ. Rõ ràng các thị trường nước ngoài đã sử dụng rất mạnh mẽ công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các DN của họ. Đơn cử như ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, chỉ trong vòng tháng 9 của năm 2015, 3 thị trường Đông Nam Á là: Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu từ Việt Nam. Còn ngành thủy sản thì năm nào cũng phải đối diện với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp của thị trường Hoa Kỳ cũng như các thị trường nước ngoài khác.

Không chỉ câu chuyện của thép, các sản phẩm khác của Việt Nam như thịt gia cầm, gia súc, hàng nông sản… đã liên tục bị các sản phẩm cùng loại giá rẻ nhập khẩu vào lấn át thị trường trong nước.

Trên thực tế, ngay cả với những cam kết mở cửa đã có, cánh cửa vào thị trường Việt Nam đã được mở khá rộng cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu. Cùng với đó, cũng xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Không ít hàng hóa nhập khẩu đã được bán với giá thấp kỷ lục, thậm chí được cho là giá “hủy diệt”… Những hiện tượng này đã và đang gây ra những thiệt hại nặng nề cho các DN Việt Nam và trong lâu dài có thể ảnh hưởng tới triển vọng của các ngành sản xuất trong nước. Nếu các DN Việt Nam không chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình, thì thiệt thòi sẽ thuộc về chính các DN của chúng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không thể muộn hơn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO