Không xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp khó mạnh

Minh Phương 05/09/2017 10:30

Doanh nghiệp khởi nghiệp có thành công hay không, có giữ được chữ tín trên thương trường hay không phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược phát triển thương hiệu. Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, nếu không chú trọng đầu tư, xây dựng thương hiệu, có thể doanh nghiệp Việt sẽ phải “nhường sân” cho doanh nghiệp khác, trong đó nguy cơ lớn nhất là doanh nghiệp ngoại.

Vốn nhỏ kìm chân DN xây dựng thương hiệu.

Bỏ tư duy “ăn xổi”

Bắt tay vào với lĩnh vực thủ công mỹ nghệ cách đây 10 năm, nhưng khủng hoảng kinh tế đã khiến công ty của ông Trịnh Xuân Đại (quận Hà Đông, Hà Nội) rơi vào khó khăn dẫn đến phá sản. Sau thất bại đó, năm 2016, vị thương nhân này tiếp tục chọn một hướng đi khác trong lĩnh vực du lịch, lữ hành với tên VietHome. Tuy nhiên, là một doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, công việc kinh doanh luôn gặp rất nhiều khó khăn, do sức ép cạnh tranh từ các DN lớn và tên tuổi.

Vị giám đốc cho biết, ông luôn xác định rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu, nhưng hiện công ty mới triển khai sơ bộ ở mức tự thiết kế và chưa bảo hộ thương hiệu của DN ở trong nước và quốc tế. Đặc biệt, khó khăn về tài chính khiến cho mục đích xây dựng thương hiệu của DN này gặp nhiều rào cản.

“Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu là một chủ trương dài hạn, không thể làm một sớm một chiều và phải chọn thời điểm phù hợp với nội lực của DN. Bởi vậy, câu chuyện về xây dựng, bảo hộ thương hiệu luôn là trăn trở đối với chúng tôi” – ông Đại cho hay.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay vẫn chưa quan tâm và đầu tư đúng đắn cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Lý giải thực tế này, ông Vũ Xuân Trường, chuyên gia tư vấn thương hiệu cho hay, 90% DN có quy mô vốn nhỏ nên tiềm lực về tài chính còn yếu, chưa sẵn lòng cho việc thực hiện một chiến lược dài hơi. Bên cạnh đó, nhiều DN vẫn còn tư duy “ăn xổi” nghĩa là chỉ thấy lợi là làm, bất chấp hậu quả, cũng như niềm tin đối với khách hàng có được đảm bảo hay không.

Theo ông Trường, đã qua rồi quan niệm xây dựng thương hiệu chỉ đơn giản là thiết kế một logo, hay ghi một nhãn hiệu lên sản phẩm mà quan trọng thời điểm hiện nay việc xây dựng thương hiệu chính là làm cho sản phẩm của DN nằm trong tâm trí người tiêu dùng càng lâu càng tốt.

“Cạnh tranh không phải bằng chiêu trò mà chính là làm thế nào để người tiêu dùng mua sản phẩm thấy thoải mái. Nếu làm theo kiểu chộp giật, ngắn hạn thì chiến lược thương hiệu sẽ không cao, nếu không có sự khác biệt hóa trong đám đông thì chắn chắn anh sẽ bị loại trừ,” ông Trường nhấn mạnh .

Đường đến thành công

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay, nếu DN không xây dựng được thương hiệu cũng như không bảo vệ và giữ được thương hiệu, cũng đồng nhĩa DN của chúng ta sẽ phải “nhường sân” cho DN ngoại. Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand, các DN nước ngoài khi vào Việt Nam không chỉ có tiềm lực về tài chính mà còn là cách thức quảng bá thương hiệu, lịch sử và giá trị thương hiệu.

Ông Mạnh cho rằng, nhiều DN Việt Nam dù nhận thức về xây dựng thương hiệu được nâng lên và nhu cầu xây dựng thương hiệu cũng tăng lên, nhưng từ nhận thức đến hành động còn quãng đường khá xa. Hơn nữa, DN có nhiều rào cản trong quá trình xây dựng thương hiệu, như kiến thức, sự hiểu biết định hướng chuẩn cho thương hiệu… cần sự đầu tư lớn, kể cả về mặt chuyên môn cũng như chi phí truyền thông.

Nêu lên cách thức làm ăn của các thương nhân Nhật Bản, vị giám đốc của Mibrand cho rằng, doan nhân Việt cần phải luôn có tư duy “mỗi ngày sản phẩm được sản xuất ra phải được đổi mới và tốt hơn”, có như vậy mới củng cố được thương hiệu và giữ vững niềm tin người tiêu dùng. Các DN Nhật Bản thành công từ chính tư duy ấy.

“Chúng ta nên gác vấn đề chi phí sang một bên và nên xác định lại hoạt động xây dựng thương hiệu DN là chăm sóc khách hàng, làm sao khách hàng quay lại mua, có sự chịu chi để khách hàng quảng bá giúp mình, đó là sự truyền thông lớn mà DN chưa phải chi trả chi phí quá nhiều,” ông Mạnh lưu ý thêm.

Trao đổi về câu chuyện xây dựng thương hiệu của DN Việt hiện nay, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, trong quá trình hội nhập, giá trị của thương hiệu là công cụ hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí của DN.

Theo ông Sơn, việc nâng cao sức cạnh tranh của các DN cũng là cơ hội quảng bá chương trình thương hiệu quốc gia, góp phần xúc tiến xuất khẩu và hơn nữa là xây dựng thương hiệu quốc gia của Việt Nam ngày càng vững mạnh trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Không xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp khó mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO