Kiểm soát nguồn vốn đầu tư công

T.Hằng 25/09/2017 09:15

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố: 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả. Trong bối cảnh các nguồn thu từ bán tài sản, tài nguyên quốc gia và từ thuế nhập khẩu,tài nguyên đang giảm dần thì việc xoát xét lại quá trình đầu tư công là bức thiết.

Kỷ luật ngân sách không nghiêm

Theo PGS TS Bùi Tất Thắng- viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KHĐT, tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư công còn diễn biến phức tạp; chi chưa đúng chế độ, chính sách, không bố trí đủ nguồn vốn, chất lượng công trình thấp trong đầu tư xây dựng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số bộ, ngành và địa phương vẫn đề xuất khởi công mới các dự án trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, hoặc mức vốn bố trí quá thấp, không bảo đảm hoàn thành dự án theo đúng thời gian và tiến độ đã phê duyệt.

Tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, hiệu quả thấp vẫn chưa được khắc phục. Dự án dở dang nhiều, thời gian thi công kéo dài, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, gây lãng phí thất thoát nguồn lực tài chính nhà nước chưa được xử lý triệt để. Nhiều vấn đề của thể chế quản lý đầu tư công (bao gồm việc quy hoạch, lựa chọn).

Trên thực tế, việc lãng phí trong đầu tư công khá phổ biến, có thể kể đến Dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng mức đầu tư điều chỉnh tại cao tốc này đã tăng thêm hơn 10.700 tỉ đồng, trong đó điều chỉnh lần đầu tăng 6.000 tỉ đồng và lần hai tăng thêm 4.738 tỉ đồng. Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long qua hai lần điều chỉnh cũng đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi, từ 1.318 tỉ đồng lên 2.839 tỉ đồng; Dự án nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ (Ninh Bình) tăng 103,5% với việc tăng vốn từ 825,7 tỉ đồng lên 1.680 tỉ đồng...

Đầu tư công từng được ông Phạm Sỹ Liêm- Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam ví von như chùm khế ngọt nên có tâm lý tiêu cho hết dự phòng và ăn cả ngoài vốn dự phòng.

Do vậy, vẫn theo ông Bùi Tất Thắng, phải cải cách mạnh mẽ công tác quản lý đầu tư công ở tất cả các khâu của chu kỳ dự án. Ở khâu quy hoạch, cần nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý quy hoạch phát triển làm căn cứ xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sớm hoàn thiện và trình Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch theo hướng đổi mới cách thức lập và quản lý, khắc phục những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay. Ở khâu lựa chọn dự án: Nhất thiết phải được tiến hành bằng hình thức đấu thầu công khai.

Việc xét thầu cần thông qua cách tổ chức hội đồng xét thầu độc lập và chuyên nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng khía cạnh công nghệ kỹ thuật, thời gian và tài chính. Các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở kết quả thẩm định của hội đồng này để quyết định lựa chọn người thắng thầu và xác định nội dung (các điều khoản) của hợp đồng và giám sát thực hiện dự áncông khai, minh bạch thông tin đối với đầu tư công. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Việc giám sát được thực hiện cả từ cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn và công chúng.

Dư nợ công cao

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, vốn dành cho đầu tư công chiếm 8-10% GDP nhưng hiệu quả rất thấp. Cùng với đó, bản tin nợ công mà Bộ Tài chính vừa công bố cũng cho thấy, nợ công Việt Nam trong năm 2015 chiếm 61% GDP với hơn 94 tỉ USD (tương đương hơn 2 triệu tỉ đồng), trong đó, nợ nước ngoài là 39,6 tỉ USD và nợ trong nước là hơn 54 tỉ USD. Vay nợ nhiều nhưng hiệu quả đầu tư kém khiến cho áp lực trả nợ lớn hơn bao giờ hết.

Theo Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu thuộc Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, dư nợ công năm 2015 lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng, gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011 (1.393 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ nợ công/GDP tính đến cuối năm 2015 cũng ở mức 62,2%, tiến gần tới ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội. Nợ công tăng cao ở mức đáng báo động gây ra những nguy hiểm lớn cho nền kinh tế. Gia tăng nghĩa vụ của quỹ tích lũy và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ trong những năm tiếp theo

Chưa kể phần lớn nợ công hiện đang là nợ xấu, tác động tiêu cực đến tính bền vững của nền kinh tế. Việt Nam phải chi trả lãi cao hơn so với các quốc gia phát triển tương đương khi đi vay nợ và nợ phải trả hằng năm lớn hơn nhiều so với các quốc gia khác (vì quy mô nợ lớn hơn, mức lãi suất trái phiếu chính phủ cao hơn). Nguồn thu từ thuế sẽ phải dành nhiều hơn cho trả nợ, giảm tỷ lệ tiền dành cho đầu tư phát triển, khiến nền kinh tế khó bền vững. Đấy là chưa kể nợ ngoại tệ chiếm tỷ trọng lớn trong nợ công càng khiến nền kinh tế sẽ khó giữ ổn định trước các biến động của thế giới và khu vực.

Do đó, việc kiểm tra giám sát, siết lại nguồn vốn đầu tư công là việc làm rất cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kiểm soát nguồn vốn đầu tư công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO