Kinh doanh sản phẩm báo chí có cần điều kiện?

H.Vũ 14/02/2019 07:27

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Đáng chú ý, Dự thảo luật bổ sung thêm 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là “tư vấn lập quy hoạch lâm nghiệp”; “đăng kiểm tàu cá”; “kinh doanh sản phẩm báo chí” với lý do là thống nhất với các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Vấn đề đặt ra là Luật Báo chí 2016 không nhắc đến “kinh doanh sản phẩm báo chí”, nhưng Dự thảo luật này lại đưa “kinh doanh sản phẩm báo chí” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, vậy có nên?

Ngay sau khi Dự thảo luật được công bố lấy ý kiến, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đã đề nghị cân nhắc việc bổ sung thêm các ngành, nghề kinh doanh này. Bởi với tư cách là luật gốc quy định về điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc xem xét để bổ sung hay bãi bỏ một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cần được dựa vào vào tiêu chí quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư chứ không phải là vì các ngành, nghề này đã có trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vì vậy, lý do để bổ sung các ngành, nghề này cần được đánh giá, giải trình lại theo hướng có phù hợp với Điều 7 Luật Đầu tư liên quan tới các lợi ích công cộng cần bảo vệ hay không?

VCCI đưa ra phân tích: Về “kinh doanh sản phẩm báo chí”, theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Luật Báo chí 2016 thì “sản phẩm báo chí là ấn phẩm, phụ trương của báo in; nội dung hoàn chỉnh của báo điện tử; bản tin thông tấn; kênh phát thanh, kênh truyền hình; chuyên trang của báo điện tử”. Kinh doanh sản phẩm báo chí” sẽ là hoạt động kinh doanh với phạm vi rất rộng liên quan đến các sản phẩm trên và có sự chồng lấn với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khác. Ví dụ “kinh doanh dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền”; “kinh doanh dịch vụ phát hành xuất bản phẩm”; “kinh doanh dịch vụ mạng xã hội”; “kinh doanh dịch vụ thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp”; và có khả năng bao gồm với cả những hoạt động kinh doanh không nhất thiết phải kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh ví dụ như buôn bán các loại ấn phẩm.

“Mặt khác “kinh doanh sản phẩm báo chí” là khái niệm không được nhắc đến trong Luật Báo chí, vì vậy không rõ hoạt động kinh doanh này như thế nào? Các điều kiện kinh doanh áp dụng ra sao? Do đó cần đánh giá và giải trình lại các lý do, căn cứ để bổ sung các ngành, nghề kinh doanh mới trong danh mục; và bỏ quy định “kinh doanh sản phẩm báo chí” ra khỏi danh mục”-VCCI nêu quan điểm.

Tuy nhiên ở góc độ là người từng thẩm tra, giám sát lĩnh vực báo chí, GS.TS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm đồng tình với Dự thảo luật và cho rằng báo chí phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì báo chí là lĩnh vực cần có sự quản lý chặt chẽ hơn so với các ngành nghề khác. Đơn cử như trong lĩnh vực văn hóa cũng có một số ngành như điện ảnh cũng phải chịu sự quản lý kinh doanh có điều kiện. Do đó, đưa “kinh doanh sản phẩm báo chí” vào trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện không phải là vấn đề gây trở ngại.

“Ở góc độ luật pháp, từng lĩnh vực có luật chung và có những luật chuyên ngành nếu lĩnh vực ấy là lĩnh vực đặc biệt thì cần phải có quy định riêng ngoài những quy định chung”-ông Thi nhìn nhận và cho rằng sản phẩm báo chí phải được quản lý như các sản phẩm văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh doanh sản phẩm báo chí có cần điều kiện?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO