Kinh tế tiếp tục được cải thiện

Thúy Hằng 18/06/2018 09:00

Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng sẽ tiếp tục có nhiều bứt phá. Động lực của tăng trưởng cũng được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp.

Kinh tế tiếp tục được cải thiện

Tăng trưởng cao và lạm phát thấp đang là cơ hội để phát triển doanh nghiệp.

Báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới WB vừa công bố cho biết, đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua đã được củng cố và song hành với ổn định kinh tế vĩ mô.

Nguồn tăng trưởng trong thời gian qua chủ yếu dựa vào nhu cầu trên quy mô toàn cầu đang ở chu kỳ tăng, đầu tư ở khu vực FDI, khu vực tư nhân đang khôi phục và quá trình chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các ngành dịch vụ, chế tạo và chế biến có năng suất cao hơn đang diễn ra.

Cán cân thương mại của Việt Nam tiếp tục được cải thiện do kết quả vững vàng về thương mại và thu hút vốn FDI, đóng góp vào tổng thặng dư tài khoản vãng lai, ước đạt 6,8% GDP (quý I năm 2018).

Tỷ giá được duy trì tương đối ổn định trong khi dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, ước đạt khoảng 63 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2018, tương đương 3,6 tháng nhập khẩu.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 5 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng khá tốt, đạt 11,8%. Kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 89,7 tỷ USD.

Theo ông Sebastian Eckardt - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, điều kiện kinh tế thuận lợi như hiện nay với tăng trưởng cao và lạm phát thấp là cơ hội đặc biệt để đẩy mạnh cải cách.

Chính sách kinh tế vĩ mô cần cẩn trọng song hành với những cải cách cơ cấu sâu và toàn diện, bao gồm cải cách các quy định để loại bỏ rào cản và giảm chi phí hoạt động của khu vực tư nhân, đầu tư cho nguồn nhân lực và hạ tầng chất lượng cao, đồng thời tiếp tục cải cách để nâng cao năng suất của khu vực DN nhà nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá, kinh tế Việt Nam đang có nhiều điểm sáng nhưng ở chiều ngược lại, các khó khăn vẫn đeo bám khá dai dẳng, tiến độ tái cơ cấu khu vực DN nhà nước và khu vực ngân hàng còn chậm có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến tình hình tài chính vĩ mô, làm giảm triển vọng tăng trưởng và tạo ra các nghĩa vụ nợ lớn cho khu vực nhà nước.

Các rào cản về thuế quan vẫn còn nhiều, làm gia tăng chi phí gia nhập thị trường của DN, hay như việc kiểm tra chuyên ngành phức tạp kéo theo gánh nặng phí đè lên DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt 182,8 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu hàng hóa tăng, cùng với đó nhiều kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong 5 tháng đầu năm cũng sẽ khá.

Song có điều đáng chú ý động lực tăng trưởng với đóng góp chính lại từ khối DN có vốn đầu tư nước ngoài hay như công nghiệp cũng chỉ mới dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.

Ông Hiếu phân tích thêm, nói về tăng trưởng kinh tế có nhiều vấn đề phải bàn, trong đó các yếu tố vĩ mô cần được mổ xẻ kỹ hơn. “Như chúng ta đã biết, tăng trưởng GDP trong quý 1 của chúng ta đạt 7,3%, đây là mức tăng trưởng xét ở góc độ số học là cao. Quý 2 chưa kết thúc nhưng có lẽ theo dự báo cũng là khá tốt so với năm ngoái. Như vậy nhìn về số lượng là tăng trưởng tốt, xong về định tính cần xem lại vì trong đó có nhiều biểu hiện rủi ro” – ông Hiếu nói.

Như vậy nhìn sâu vào nền kinh tế cho thấy tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhưng bản chất xuất khẩu lại lệ thuộc vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty FDI vào Việt Nam giúp Việt Nam sản xuất hàng hóa, bán ra nước ngoài làm tăng ngoại hối, tạo việc làm cho lao động song gắn liền rủi ro vì tỷ trọng xuất khẩu của khối này chiếm đến 2/3. Và khi họ thay đổi chiến lược đầu tư, rút khỏi uốc gia họ đàu tư thì khiến nước sở tại khốn đốn. Và trên thế giới cũng đã có những bài học đắt giá về tình trạng này.

“Chúng ta lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài trong bối cảnh tình hình đầu tư luôn biến động. Chẳng hạn như chỉ số chứng khoán VN-Inddex đang trong giai đoạn thăng trầm mạnh mẽ. Chúng ta nhìn thấy từ khối ngoại là họ đang bán ròng tạo lực bán mạnh. Những dấu hiệu đó cho thấy kinh tế chúng ta lệ thuộc vốn nước ngoài thì tăng trưởng không bền vững. Tăng trưởng đó giúp cho chúng ta năm nay đạt số lượng cao nhưng năm sau cũng có thể xuống thấp” – ông Hiếu cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế tiếp tục được cải thiện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO