Lãi vẫn báo lỗ

Hồ Luân 24/03/2018 07:00

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng tương lai của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó mà tỷ lệ doanh nghiệp FDI tăng vốn đầu tư chiếm 13,2% trong năm 2017, 60% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh.

Điều quan trọng hơn, doanh thu năm 2017 của doanh nghiệp FDI cao gấp 3 lần năm trước, thế nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giảm xuống còn 54,3%, 37,9% doanh nghiệp báo lỗ - đây là con số kỷ lục của các năm qua.

Dựa trên kết quả báo cáo trên, nhiều quan điểm cho rằng, doanh nghiệp FDI thường xuyên kể khổ, than lỗ. Theo các chuyên gia kinh tế, không ngừng mở rộng sản xuất nhưng lại báo cáo lỗ trở thành “chiêu bài” của không ít doanh nghiệp FDI. Bởi vì, nhiều năm liền xuất khẩu của doanh nghiệp FDI luôn áp đảo doanh nghiệp trong nước, với tỷ lệ trên 70%. Ghi nhận từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI so với kim ngạch xuất khẩu cả nước liên tục tăng lên. Đơn cử, năm 2017 xuất khẩu từ khối FDI lên đến hơn 155 tỷ USD, chiếm 73% xuất khẩu của cả nước. doanh nghiệp FDI còn đóng vai trò chủ chốt ở các ngành xuất khẩu chủ lực, như dệt may, da giày, máy tính và linh kiện điện tử, điện thoại,…

Hội nhập kinh tế thế giới là cơ hội để kinh tế các nước phát triển thông qua hoạt động sản xuất, giao thương. Việt Nam cũng chủ động hội nhập bằng cách hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển. Trong đó, không ngừng thu hút vốn FDI nhằm hướng đến tăng cường nội lực cho nền kinh tế. Kết quả, mấy chục năm qua nguồn vốn FDI liên tục “chảy” đều về các tỉnh – thành thông qua tổng vốn đầu tư, số dự án thực tế. Chiến lược thu hút nguốn vốn FDI được thực hiện khá bài bản bằng hình thức trải “thảm đỏ” hàng loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, đất đai, thủ tục,…

Chưa hết, Chính phủ và các địa phương không ngừng tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khối kinh tế này phát triển. Theo VCCI, năm 2017 có sự đột phát từ chính sách cho doanh nghiệp FDI. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành trên 5% thời gian của lãnh đạo cho việc tìm hiểu và thực hiện thủ tục hành chính giảm từ 72% xuống còn 66%; lĩnh vực hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội đồng loạt cắt giảm thủ tục, giảm quy trình. Đặc biệt, chi phí không chính thức giảm đáng kể so với các năm trước đó,…

Từ các con số nêu trên chứng tỏ, Việt Nam nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để khối doanh nghiệp FDI phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, kết quả nhận được lại không như mong đợi. Hàng loạt doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục báo lỗ. Đó là chưa kể tỷ lệ nội địa hóa vào doanh nghiệp FDI không nhích lên như cam kết, chuyển giao công nghệ không có, thị phần trong nước giảm sút,…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lãi vẫn báo lỗ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO