Làm gì để kinh tế tư nhân bứt phá?

H.Vũ (thực hiện) 04/11/2019 08:00

Các chính sách để phát triển kinh tế tư nhân cho đến nay đã thông thoáng, đầy đủ, khá toàn diện. Vấn đề là thực thi, áp dụng triển khai các quy định của luật pháp trong thực tế. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh khi trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về vấn đề làm gì để kinh tế tư nhân bứt phá.

Làm gì để kinh tế tư nhân bứt phá?

Ông Trần Văn Lâm. Ảnh: Quang Vinh.

PV:Thưa ông, kinh tế tư nhân được xác định là động lực cho nền kinh tế phát triển, dù đã có những cơ chế hỗ trợ nhưng kinh tế tư nhân vẫn chưa thể bứt phá?

Ông Trần Văn Lâm: Từ khi chúng ta bước vào thực hiện cơ chế thị trường, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát huy được tiềm năng để tham gia xây dựng, phát triển đất nước, kinh tế tư nhân là một trong những thành phần kinh tế phát triển nhanh nhất trong tất cả các thành phần kinh tế. Tính từ thời kỳ đổi mới, cho đến nay tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp vào nền kinh tế đã xấp xỉ 50% GDP. Mặc dù thành phần kinh tế phát triển tương đối bình đẳng nhưng, vẫn còn có sự chênh lệch, ưu ái nhất định đối với các thành phần kinh tế nhà nước, hay doanh nghiệp (DN) nhà nước đang giữ vốn chủ đạo.

Ông vừa nhắc đến bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, nhưng kinh tế tư nhân gặp một rào cản đó là thủ tục hành chính và những chi phí phi chính thức quá lớn đang gây ảnh hưởng sự phát triển. Đây là vấn đề được đề cập nhiều lần nhưng tại sao đến nay chưa được tháo gỡ?

- Cũng phải nhìn ở hai khía cạnh, đành rằng các thủ tục hành chính đặt ra để thuận tiện cho quản lý nhà nước nhưng khi các thủ tục hành chính bị lợi dụng lại tạo ra những khó khăn phức tạp, gây phiền hà, sách nhiễu, tăng chi phí cho các DN. Nhưng theo tôi đấy chỉ là cá biệt, cũng phải nhìn đến việc các DN tư nhân đang tìm mọi cách lách luật để đạt được mục tiêu lợi nhuận. Mặc dù không vi phạm pháp luật, nhưng có thể vi phạm đạo đức xã hội và pháp luật không xử được. Nên việc đặt ra các thủ tục hành chính là thế. Các DN tư nhân thường bao giờ cũng than các thủ tục đặt ra quá nhiều, phiền hà, phức tạp, tốn kém nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng bỏ đi có thể dẫn đến việc lợi dụng để làm sai. Vì thế, phải làm từng bước. Ai cũng phải cố gắng thực hiện đúng pháp luật, còn những vấn đề phiền hà phải giảm dần, không thể nghe chỗ này đòi bỏ thì bỏ, vì như vậy tạo ra lỗ hổng quản lý. Vừa rồi đã có quy định mà nhiều DN còn lách luật để làm trái, lừa đảo tại nhiều tỉnh, thành nên cải cách thủ tục hành chính cũng phải dần dần.

Thế nhưng, vấn đề thanh, kiểm tra tại khối DN tư nhân cũng lại là cản trở DN tư nhân lớn mạnh. Ông thấy thời gian qua vấn đề này đã giảm bớt hay chưa?

- Theo tôi đã có sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, quản lý nhà nước trong công tác thanh tra. Tôi thấy ở địa phương, cơ quan thanh tra của tỉnh đã đứng ra làm đầu mối để thanh tra ngành. Nếu như có kế hoạch tiến hành kiểm tra tại các đơn vị phải thông báo để thống nhất thành một chương trình thanh tra, tránh việc chồng chéo. Còn tại các cơ quan Trung ương cũng đã phối hợp, giảm áp lực và chồng chéo thanh tra cho các DN.

Quan điểm của Đảng và Nhà nước là cái gì tư nhân làm được, để tư nhân làm, còn những lĩnh vực tư nhân không làm được, hoặc hiệu quả kinh tế thấp thì DN nhà nước phải gánh vác.

Cũng không phải DN tư nhân dễ sai sót nên phải thanh tra kiểm tra nhiều; mà kể cả các DN nhà nước nếu như không quản lý chặt chẽ cũng có thể xảy ra tình huống như vậy. Vấn đề là cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xử lý những chủ thể có sai phạm một cách nghiêm khắc nhằm răn đe, ngăn ngừa.

Để kinh tế tư nhân phát triển trong thời gian tới, theo ông cần lưu tâm đến vấn đề nào?

- Thực tế mà nói, các chính sách để phát triển kinh tế tư nhân cho đến nay cũng rất thông thoáng, đầy đủ, toàn diện. Vấn đề là thực thi, áp dụng triển khai các quy định của luật pháp trong thực tế. Tâm lý quản lý vẫn có cái gì đấy e ngại đối với kinh tế tư nhân. Cho nên tâm lý nhà quản lý cũng phải thay đổi.

Bên cạnh đó, các chủ thể kinh tế kinh tế tư nhân cũng phải vươn lên để khẳng định mình. Như tôi đã nói, còn không ít những DN tư nhân có những việc làm sai, lách luật để thu lợi nhuận. Nên, tôi nghĩ, phải cả hai phía, các DN tư nhân cũng phải nỗ lực, cố gắng vươn lên khẳng định mình, còn cơ quan nhà nước phải nghiêm minh chặt chẽ trong quản lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm gì để kinh tế tư nhân bứt phá?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO