Lan tỏa sản phẩm OCOP

Minh Phương 21/12/2019 07:21

Chương trình mỗi làng, xã một sản phẩm (OCOP) đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tại các tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sản phẩm OCOP chưa được người tiêu dùng biết đến. Vậy nguyên nhân ở đâu?

Lan tỏa sản phẩm OCOP

Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành được người tiêu dùng ưa chuộng.

Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. OCOP được đánh giá là sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân nông thôn. Vì vậy, chương trình thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước, tạo ra hàng nghìn sản phẩm hàng hóa đa dạng; trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, các sản phẩm OCOP chưa được phổ biến rộng rãi. Đơn cử, sản phẩm mủ trôm của DN ở Gia Lai có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe song do sản phẩm còn khá mới mẻ và lạ lẫm nên nhiều khách hàng chưa biết và hiểu về sản phẩm, thành ra bột mủ trôm của DN này chưa thể đến được với đông đảo người tiêu dùng trên cả nước.

Tương tự, sản phẩm macca của chủ Cơ sở Macca Minh Quang Gia Lai cũng là một sản phẩm đặc trưng của thị trấn KBang, huyện KBang, song chủ yếu chỉ được người dân địa phương biết đến chứ chưa có sức lan tỏa. Tình trạng tồn kho vẫn xảy ra.

Nhận định về thực tế này, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, do còn có những thách thức từ quy mô sản xuất, cạnh tranh gay gắt trong thị trường lớn và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, cho nên đầu ra các sản phẩm nông sản nói chung, đặc sản vùng miền và các sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc.

Ngoài ra, theo bà Trần Thanh Hà, Phó trưởng phòng Tiêu chuẩn, Ban Dịch vụ hành khách, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hiện vẫn còn nhiều các sản phẩm OCOP của Việt Nam còn chưa được nhiều người biết đến, ngay cả người Việt Nam chứ không nói đến người tiêu dùng nước ngoài. Bởi lẽ, việc xúc tiến quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP còn có nhiều hạn chế, nhà cung cấp và nhà phân phối nhiều khi còn rất thiếu thông tin của nhau.

Khẳng định hầu hết các sản phẩm, dịch vụ OCOP đều có khả năng, dư địa phát triển, song theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, việc đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa, tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm OCOP là yêu cầu bức thiết hiện nay. “Việc ban hành các tiêu chí sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền, các sản phẩm có lợi thế của địa phương” - bà Nga nhấn mạnh.

Để giải quyết những điểm nghẽn của việc phát triển chương trình OCOP, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, rất cần có sự kết nối giữa các DN và các cơ sở sản xuất. Thông qua các hoạt động kết nối, nhiều sản phẩm từ Chương trình OCOP có chất lượng cao không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, kênh phân phối nước ngoài. “Việc này không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng cao thương hiệu, đặc sản địa phương; Tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đáp ứng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng” - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lan tỏa sản phẩm OCOP

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO