Liên kết để thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao

Tuấn Quang 27/09/2017 15:35

Sáng ngày 27/9, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2017, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững tỉnh Hậu Giang”.

Toàn cảnh hội thảo.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên khoảng 3,96 triệu ha, 22,8% dân số, đóng góp khoảng 27% GDP của cả nước, sản xuất 55% sản lượng lương thực, cung cấp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu.

Riêng với Hậu Giang, lúa gạo luôn là ngành hàng chủ lực và chiếm tỉ trọng cao trong kinh tế. Hậu Giang là tỉnh có diện tích trồng lúa khá lớn, tổng diện tích xuống giống trên 200.000 ha/năm, sản lượng trung bình hơn 1,2 triệu tấn/năm, với vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 30.000 ha.

Tuy nhiên, cả Hậu Giang và ĐBSCL vẫn đang phải đối diện với nhiều thách thức, tồn tại trong liên kết phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.

Sản xuất lúa của nông dân ĐBSCL vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là hộ có quy mô nhỏ (diện tích trồng lúa dưới 2 ha) chiếm đến 86% tổng diện tích vùng. Đồng thời, theo ước tính có đến khoảng 93% sản lượng lúa gạo được thu gom bởi các thương lái.

Do đó, chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL còn nhiều khâu trung gian và phụ thuộc rất lớn vào thương lái, đại lý vật tư nông nghiệp và chịu tác động rất lớn bởi yếu tố rủi ro do thiên tai, biến động của giá cả thị trường lúa gạo trong nước và trên thế giới.

Cánh đồng mẫu lớn giúp nông dân đạt năng suất cao.

Đến nay, diện tích triển khai cánh đồng lớn tại ĐBSCL vẫn còn ở quy mô quá nhỏ. Cụ thể, vụ Hè Thu năm 2017 toàn vùng chỉ khoảng 104.490 ha, giảm 27.590 ha so với cùng kì 2016 và chỉ chiếm 6,35% tổng diện tích.

Thực trạng trên cho thấy, liên kết sản xuất lúa giữa nông dân với nông dân còn rất khiêm tốn, chưa phát huy được hết vai trò của liên kết sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo làm ra.

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo cũng bắt đầu tham gia liên kết với nông dân, nhưng mức độ tham gia sâu trong liên kết của các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều.

Theo số liệu thống kê mới nhất, vụ Hè Thu 2017 diện tích lúa được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm trên toàn vùng chỉ đạt 3,45% tổng diện tích lúa và chiếm 54,32% diện tích cánh đồng lớn.

Qua đó, cho thấy liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL vẫn là một mối liên kết yếu, đặc biệt trong mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa nông dân và doanh nghiệp.

Việc tuân thủ hợp đồng của nông dân cũng như công ty chưa nghiêm túc. Tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xảy ra khi thị trường biến động.

Trong khi đó, chính quyền địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu giải quyết mâu thuẫn này, kéo theo sự tin tưởng giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không ngừng suy giảm.

Thăm đồng lúa giống.

Trước thực trạng tồn tại nhiều khó khăn trong liên kết chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng, TS. Đoàn Mạnh Tường - Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, cho biết: Để phát huy lợi thế, nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững thì việc làm cần thiết là xây dựng và thúc đẩy 6 mối liên kết cơ bản gồm: liên kết nghiên cứu khoa học, liên kết sản xuất hạt giống, liên kết chuyển giao kỹ thuật, liên kết trong chế biến bảo quản sau thu hoạch, liên kết trao đổi thông tin và liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần - Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nhận định: Trong xu hướng phát triển nông nghiệp thời kỳ hội nhập, người nông dân cần được liên kết, tổ chức lại theo hình thức hợp tác xã (HTX) kiểu mới, tiên tiến, đủ mạnh. Từ đó, giúp người nông dân quản lý, tổ chức sản xuất - tiêu thụ tốt, hướng đến áp dụng công nghệ cao trong sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo đó, HTX kiểu mới theo mô hình HTX nông nghiệp của Thái Lan và Nhật Bản là một mô hình tốt chúng ta có thể tham khảo, học hỏi, PGS.TS Nguyễn Duy Cần chia sẻ.

Ông Phan Công Bình – Giám đốc Công ty TNHH Công Bình, kiến nghị: Hệ thống chính trị địa phương cần thể hiện vai trò tích cực, quyết liệt hơn nữa trong xây dựng, phát triển chuỗi liên kết giá trị lúa gạo. Có thể nói, HTX là mô hình đáp ứng tốt các điều kiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, do vậy HTX phải thật sự vận hành hiệu quả, thiết thực. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn.

Ông Lâm Thành Kiệt, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản VinaCam, đơn vị đã có những thành công ban đầu trong thực hiện liên kết thu mua lúa gạo ở các HTX tại An Giang, chia sẻ: Doanh nghiệp muốn gắn kết với người nông dân thì phải hiểu họ, phải bền bỉ gắn bó, chia sẻ khó khăn, phải để họ thấy những lợi ích thật thụ trong quá trình liên kết. Từ đó, hình thành niềm tin vững chắc, tiến tới thắt chặt mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa gạo.

Để thúc đẩy liên kết, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao theo hướng bền vững, theo ông Trần Hữu Hiệp - Ủy viên Chuyên trách Kinh tế, BCĐ Tây Nam Bộ cho rằng: Hậu Giang cần rà soát, quy hoạch lại các sản phẩm chủ lực, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với việc triển khai Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.Thay đổi tư duy và phương pháp đầu tư, chuyển từ đầu tư theo “đoạn” sang đầu tư theo “chuỗi” sản xuất; mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến một cách đồng bộ tại các khâu giống, nuôi trồng và chế biến như: Phát triển công nghệ sinh học, áp dụng rộng rãi VietGap, Global Gap trong sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch để giảm thất thoát, nâng cao chất lượng lúa gạo.

Về vĩ mô, cần đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu, dự báo thị trường; Quan tâm đến nguồn nhân lực chất lượng cao trong quản lí, cũng như ứng dụng thực tế khoa học kĩ thuật vào sản xuất lúa gạo; Tăng cường liên kết vùng chuyên canh và tập trung sản xuất, liên kết chuỗi sản xuất, liên kết thị trường – doanh nghiệp và liên kết vùng ĐBSCL.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Liên kết để thúc đẩy chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO