Loại bỏ chi phí không chính thức

Việt Thắng (thực hiện) 03/04/2017 09:05

Kết thúc quý I/2017, GDP chỉ đạt 5,1%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây (tăng trưởng GDP quý I của năm 2015 đạt 6,12%; năm 2016 đạt 5,48%). Như vậy, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7% sẽ khó khăn. Trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho rằng, qua Báo cáo của VCCI, WB, IMF nổi lên điều lo ngại là chi phí không chính thức vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, là vật cản lớn cho sự chuyển mình của nền kinh tế.

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, quý I/2017 GDP chỉ đạt tăng trưởng 5,1%. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này?

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Việc GDP bị giảm sút có nhiều nguyên nhân nhưng một phần do thời gian nghỉ Tết dài. Thứ hai là công nghiệp chế biến có sự sụt giảm tương đối nhiều, trong đó liên quan đến chế biến nông phẩm nhất là các mặt hàng xuất khẩu của nông nghiệp sụt giảm tương đối nhiều. Một phần do nhu cầu trên thế giới có sự giảm đi nhưng phần khác do cạnh tranh của các nước tăng lên, và một số mặt hàng chủ lực của chúng ta trong chế biến cá tra, ba sa sụt giảm do nhu cầu 1 số thị trường không cao như trước nữa. Ngoài ra công nghiệp chế biến, chế tạo của ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc rất lớn. Trong thời gian qua tại Trung Quốc có một số thay đổi về mặt chính sách đối với mặt hàng nông thủy sản của chúng ta cho nên ngành này đã có sự chững lại. Trong những tháng gần đây đã nới lỏng ra nhưng cũng sẽ có những khó khăn. Bởi chỉ hướng sản xuất kinh doanh vào một số thị trường nào đó thì dễ bị phụ thuộc. Và đây là bài toán khó, cho nên nền kinh tế của ta cần phải sớm thay đổi.

Song trong nông nghiệp ta có nhiều điểm sáng tốt. Rau quả xuất khẩu trong năm 2016 đã tăng rất tốt, trong những tháng đầu năm 2017 đã cho thấy tiềm năng có thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu hoa quả. Năm 2016 xuất khẩu hoa quả đã vượt qua xuất khẩu lúa gạo và là mặt hàng đạt hơn 10 tỷ USD. Đó là như là động lực, “hồi chuông” cảnh báo cho nhà đầu tư và người sản xuất nông nghiệp là phải thay đổi tư duy, đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh và tập trung nhiều hơn cho chế biến bảo quản xuất khẩu hoa quả.

Có thể thấy những giống mới, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất hoa quả hiện chưa đáng bao nhiêu nhưng rõ ràng đã có thay đổi lớn về xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu, người nông dân chú ý hơn trong sản xuất hoa quả, đa dạng hóa các loại hoa quả khác nhau từ đó sẽ kéo theo công nghiệp chế biến, sau thu hoạch cũng như đến công nghiệp chế biến hoa quả. Có thể nói ta đang đi đúng hướng với thế mạnh của một nước nhiệt đới trong sản xuất hoa quả, nhưng phải tạo ra cú hích để các nhà đầu tư chú ý nhiều hơn, người nông dân cần đa dạng hóa hơn các loại cây trồng. Nhưng phải làm sao có một công nghệ quy hoạch và chế biến đảm bảo tính bền vững cho vùng nguyên liệu, chứ làm theo kiểu chộp giật, thấy trị trường mạnh cái nọ, mạnh cái kia mà đổ xô vào thì mọi gánh nặng sẽ đổ lên đầu người nông dân mà thôi.

Để nền kinh tế cất cánh, cùng với các chính sách điều hành kinh tế - xã hội, theo ông cần lưu ý đến những yếu tố nào?

- Sau khi Chính phủ khóa mới được kiện toàn, tiếp nhận nền kinh tế và điều hành nó đến nay cho thấy rất nhiều sự đổi mới và thay đổi. Sự quan tâm đến sản xuất, siết chặt chi tiêu công, cố gắng giảm thâm hụt ngân sách và vay nợ nước ngoài. Đây là bước đang cương quyết thực hiện làm cho nền kinh tế mạnh lên trên cơ sở năng lực đang có.

Gói 100 ngàn tỷ cho nông nghiệp công nghệ cao, cơ chế một cửa, giảm thiểu kiểm tra kiểm soát đối với doanh nghiệp đang tạo ra môi trường tốt hơn, nhưng so với yêu cầu của các doanh nghiệp trong nền kinh tế cũng như khả năng năng lực đáp ứng thấy rằng vẫn còn chưa cao. Chúng ta chỉ mới đưa ra các giải pháp lớn, mà thiếu chính sách cụ thể làm sao cho các ưu tiên, ưu đãi thực sự đi đến “địa chỉ” cần thiết và những ngành nghề, doanh nghiệp mà Chính phủ mong muốn nó phát triển.

Ta đang thiếu những cơ chế cụ thể, đó là cái rất cần thiết vì nó tạo ra sức mạnh cho doanh nghiệp. Vừa qua Báo cáo của VCCI, WB, IMF cho thấy điều đáng lo ngại nhất là chi phí không chính thức vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế, là vật cản lớn cho sự chuyển mình thay đổi của nền kinh tế, mà người dân và doanh nghiệp ngày đêm mong muốn hệ thống công quyền phải thay đổi nhanh và mạnh hơn, là người phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp cũng như đảm bảo cho nền kinh tế có thể luân chuyển trơn tru với một chi phí thấp nhất đó là điều dân đang mong muốn. Có lẽ Chính phủ cũng cần cương quyết hơn trong việc phòng chống tham nhũng cũng như thay đổi cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Như vậy nền kinh tế mới cất cánh được.

Hiện, lạm phát có nguy cơ tăng cao, làm gì để xử lý một cách hiệu quả, thưa ông?

- Năm nay mục tiêu tăng trưởng đạt 6,7% là cao. Mục tiêu cao thì phải đầu tư manh để tăng trưởng, bởi không có vốn thì dứt khoát không thể tăng trưởng được. Bây giờ trong đầu tư công, Nhà nước đang khó trong tìm nguồn thu, thâm hụt ngân sách lớn, vay nợ nước ngoài khó khăn mà khả năng trả nợ lớn nên ta cũng không dám vay nhiều. Còn tín dụng vừa rồi nhúc nhích tăng thì các ngân hàng bắt đầu xé rào để tăng lãi suất huy động, như thế đương nhiên lãi suất cho vay sẽ tăng kéo theo nguồn tiền trong xã hội có nhiều vấn đề, từ đó dẫn đến lạm phát tăng.

Hiện nền kinh tế của Mỹ đang tăng trưởng, đồng USD lên giá và như vậy tạo áp lực ngược lại với đồng Việt Nam, các nguyên liệu đầu vào đang có dấu hiệu tăng từ dầu mỏ cho đến sắt, thép, cao su. Đây là chiều hướng tăng nhẹ, tạo ra áp lực tăng giá và tạo ra áp lực lạm phát. Từ đó lạm phát nguy cơ quay trở lại là tương đối lớn cho nên nếu Chính phủ và Bộ Tài chính không kiên quyết trong điều hành chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế thì lạm phát rất dễ quay trở lại, và ảnh hưởng tới tăng trưởng cũng như giá trị đồng Việt Nam, gây xáo trộn các quan hệ lớn trong nền kinh tế dẫn đến khó lòng thực hiện được mục tiêu 6,7%, cũng như có thể gặp những khó khăn lớn về tài chính tiền tệ. Cho nên việc giữ lạm phát bảo đảm trong giới hạn, tìm các nguồn lực tăng trưởng là bài toán chúng ta phải làm, và việc mở rộng thu hút đầu tư nước ngoài kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp đến thị trường chứng khoán trở thành bài toán cần phải thực hiện ngay vào lúc này.

Từ kết quả quý I, vậy để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, theo ông cần phải những giải pháp nào?

- Chúng ta đặt ra kế hoạch 6,7% là mức cao so với những thời gian gần đây, cao so với khả năng đang tái cấu trúc kinh tế, cao so với đang thay đổi mô hình kinh doanh và mở cửa cạnh tranh ra thế giới. Vì thế bây giờ cần phát triển tương đối đồng bộ nền kinh tế. Từ trước đến nay nông nghiệp gần như ăn sẵn, có gì làm nấy, sự thay đổi công nghệ và giống cây trồng cũng như phương thức sản xuất gần như không có gì, ngay cả công nghệ thu hoạch và chế biến bảo quản cũng thế. Bao nhiêu năm nay vấn đề này dù đã được đề cập vẫn sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng không lớn, chủ yếu là sản phẩm thô chứ chưa phải sản phẩm chế biến. Giờ chúng ta chú ý đến nông nghiệp, nông thôn nhiều hơn nhưng phải thay đổi cách nghĩ.

Trước đây nghĩ đến nông nghiệp là lúa gạo, ngô thì giờ phải là các loại cây quả, rau, hoa mà nó tạo ra giá trị gia tăng lớn với giống mới. Thứ hai là công nghệ áp dụng phải hiện đại để có năng suất cao hơn, sử dụng phân bón, vật tư ít hơn. Rồi thay đổi phương thức kinh doanh, đừng để người nông dân sản xuất nhỏ lẻ manh mún, mà giờ cần tạo ra sự gắn kết bởi những doanh nghiệp chế biến với các vùng nguyên liệu và người nông dân. Như vậy sản phẩm của người nông dân mới đúng theo chuẩn thông lệ quốc tế. Như vậy thiệt hại trong và sau thu hoạch giảm đi, hiệu quả cây con mới cao, mới có được nền nông nghiệp vững mạnh có sự tăng tốc về giá trị hàng hóa trong nông nghiệp.

Còn trong công nghiệp, phải đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả trước hết bằng việc kiên quyết đình, hoãn các dự án đầu tư công không hiệu quả. Khuyến khích các tầng lớp nhân dân, nhà đầu tư trong nước đầu tư phát triển các ngành nghề khác nhau, nhất là công nghiệp chế biến. Từ đó phát huy thêm sức mạnh cho nông nghiệp, góp phần bảo đảm hàng hóa trong nước, giảm thiểu nhập khẩu nước ngoài. Cần tổ chức gắn kết các nhà sản xuất trong nước với nhau để tạo ra dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh và chuỗi giá trị trong nước bền vững. Từ đó có thể cung cấp sản phẩm nguyên liệu chuẩn mực theo yêu cầu của các công ty đa quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới, lúc đó sản phẩm của ta mới có thể cạnh tranh được.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Loại bỏ chi phí không chính thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO