Lời giải xử lý nợ xấu

H.Hương 19/05/2017 10:00

Dự thảo Nghị Quyết về xử lý nợ xấu và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tín dụng tiếp tục được đưa ra trình Quốc hội trong kỳ họp tới. Nếu được thông qua sớm, các vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm sẽ được thông suốt, “cục máu đông” nợ xấu có cơ chế tan dần.

Xử lý triệt để các vướng mắc

Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu có 18 điều, thời hạn hiệu lực là 5 năm, kể từ ngày 1/7. Dự thảo Nghị quyết quy định việc xử lý bao gồm toàn bộ nợ xấu hiện có và nợ phát sinh trong giai đoạn có hiệu lực của nghị quyết.

Theo đó nợ xấu được quy định là các khoản nợ không có khả năng thu hồi hoặc được đánh giá không có khả năng thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ gốc, lãi khi đến hạn thanh toán, được phân loại vào nhóm nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ, nợ có nguy cơ mất vốn. Phạm vi, nguyên tắc và phương pháp xác định nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Dự thảo Nghị quyết cũng cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường.

Dự thảo Nghị quyết đưa ra nhiều quy định về bán nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường, về mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, về quyền năng của VAMC…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tin tưởng, nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu.

Đồng thời, nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay.

Tín dụng đã tăng 5,76%

Dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 4/2017, tín dụng tăng 5,76% so với cuối năm 2016, cao hơn so với cùng kỳ các năm gần đây; trong đó tín dụng VND tăng 5,87% và tín dụng ngoại tệ tăng 4,64%.

Nhu cầu vốn của DN còn rất lớn. Mặc dù ngành Ngân hàng đã rất tích cực huy động vốn để đảm bảo đáp ứng cho nền kinh tế, song một phần lớn nguồn lực vẫn còn chưa được khơi thông, đang nằm ở các khoản nợ xấu và các tài sản bảo đảm chưa được xử lý.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, khi Nghị quyết có hiệu lực giải phóng các khoản nợ xấu sớm, sẽ tái tạo nguồn vốn lớn để mở rộng cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện cho các DN có nợ xấu đã được xử lý tiếp cận các khoản vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.

Hiện vốn nền kinh tế vẫn chủ yếu thực hiện qua hệ thống ngân hàng. Tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm khoảng 53% tổng dư nợ tín dụng, trong khi nguồn vốn huy động trung dài hạn toàn hệ thống chỉ chiếm khoảng 15%, và cân đối này đang tạo sức ép và rủi ro chênh lệch kỳ hạn cho hệ thống ngân hàng.

Để tạo nguồn vốn đầu tư, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tối đa 50% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu của DN, trong khi lẽ ra vốn đầu tư trung dài hạn của DN phải được huy động từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lời giải xử lý nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO