Lợi thế VNĐ

H.Hương 22/11/2016 09:05

Tỷ giá tăng, đồng USD tăng giá mạnh đang là tâm điểm của thị trường tài chính. Phía cơ quan quản lý Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây là diễn biến bình thường. Trong khi đó nhiều chuyên gia cảnh báo, sóng tỷ giá có thể lan sang lãi suất.

Áp lực tâm lý đã tác động đến tỷ giá giữa USD và VNĐ. (Ảnh minh họa).

Cung – cầu ổn định

Ngân hàng nhà nước chính thức khẳng định, trong hơn 10 tháng đầu năm 2016, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý găm giữ ngoại tệ trong nền kinh tế đã giảm mạnh so với trước đây nhờ cách thức điều hành tỷ giá mới linh hoạt và những diễn biến thuận lợi về cung cầu ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng Dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Cập nhật tỷ giá trung tâm giữa Đồng Việt Nam (VNĐ) và USD do NHNN công bố ngày 21/11 ở mức 22.124 đồng. Tỷ giá trung tâm đã trải qua 9 phiên tăng liên tiếp, với mức tăng tổng cộng 99 đồng. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng ngày 21/11 là 22.788 VNĐ/USD và tỷ giá sàn là 21.460 VNĐ/USD.

Tại một số ngân hàng thương mại, giá niêm yết đồng USD cũng đã chạm ngưỡng 22.600 đồng. Cụ thể giá mua vào đã lên tới 22.500 - 22.520 đồng/USD, còn giá bán ra là mốc 22.600 đồng/USD. Tính ra trong đợt sóng này mỗi đồng USD đã tăng giá khoảng 135 đồng, song vẫn còn cách trần khoảng 180 đồng/USD.

Ông Tiết Văn Thành - Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định tỷ giá tăng cũng chủ yếu do yếu tố tâm lý. Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm tăng lãi suất cuối năm, đồng USD tăng giá mạnh trên thị trường quốc tế, đồng Nhân dân tệ cũng đã phá giá. Do đó áp lực về mặt tâm lý đã tác động đến tỷ giá giữa USD và VNĐ.

Ông Bùi Quốc Dũng - Ban Kinh tế Trung Ương khẳng định, tỷ giá năm 2016 có nhiều dấu hiệu tốt khi căn cứ vào tình hình xuất nhập khẩu cũng như chênh lệch cán cân thương mại. Cầu ngoại tệ cũng không tăng đột biến trong khi nguồn cung ổn định thì tỷ giá ổn định đến giữa quý I/2017.

Thực tế, thanh khoản thị trường vẫn tốt, cung cầu ngoại tệ bình thường, không có nhu cầu đột biến. Từ nay đến cuối năm, cung cầu ngoại tệ về cơ bản vẫn thuận lợi do các dòng vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối tiếp tục là nguồn cung quan trọng cho thị trường. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư cho vay bằng ngoại tệ, trong đó cho phép gia hạn các đối tượng được vay vốn bằng ngoại tệ tại Thông tư 24/2015/TT-NHNN và Thông tư 07/2016/TT-NHNN đến hết năm 2017 cũng là yếu tố thuận lợi cho sự ổn định của thị trường và tỷ giá.

Chuyên gia kinh tế Trịnh Quang Anh khẳng định, có nhiều dữ liệu liên quan đến tỷ giá thời gian tới. Dòng ngoại tệ đang có hướng dịch chuyển. Một khi Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương có sự thay đổi thì tác động ngay tới dòng ngoại tệ. Chưa kể rổ tham chiếu đồng tiền cũng đã khác đi nhiều. “Các quyết sách vẫn phải chờ từ phía Ngân hàng Nhà nước” – ông Trịnh Quang Anh nhấn mạnh.

Giữ VNĐ vẫn có lợi hơn

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt phân tích, sự biến động tỷ giá có ảnh hưởng của yếu tố tâm lý. Thứ nhất, thời điểm cuối năm là thời điểm thanh toán ngoại tệ của doanh nghiệp, nên nhiều cá nhân dựa vào đây để găm giữ. Thứ 2, các đồng ngoại tệ khác mất giá vì đồng USD lên nên tỷ giá nhích lên trong thời gian qua.

Trong khi đó, các yếu tố nội tại trong nước có thể tác động đến sự điều chỉnh tỷ giá lại đang khá tích cực. Thậm chí nguồn cung về ngoại tệ đang khá dồi dào như: Thặng dư thương mại của Việt Nam 10 tháng: xuất siêu 3,2 USD; Giải ngân vốn FDI cũng đạt khá với mức 12,7 tỷ USD... Với lực dự trữ ngoại tệ hiện nay vào khoảng 41 tỷ USD, tức là đã gấp 6-7 lần so với 10 năm trước, nên nguồn lực này khá dồi dào và luôn sẵn sàng. Nhưng tôi nghĩ, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa cần đến nguồn lực này, vì cách điều hành tỷ giá trung tâm của chúng ta đang rất khoa học, xoay quanh rổ các đồng tiền khác, chứ không chỉ một mình USD, nên nó thích ứng nhanh và nhạy. Ngoài ra, nguồn kiều hối được dự báo tăng khá, dự kiến đạt 14 tỷ USD. Theo ông Hưởng lãi suất huy động USD là 0%, nên việc găm giữ ngoại tệ giảm mạnh và nắm giữ VNĐ vẫn có lợi hơn.

Theo đánh giá của NHNN, diễn biến tăng tỷ giá những ngày qua là hết sức bình thường, phù hợp với xu hướng tăng tỷ giá trung tâm do NHNN công bố trong thời gian qua. Trên thị trường, cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của các tổ chức và cá nhân được các TCTD đáp ứng kịp thời và đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lợi thế VNĐ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO