Mệnh lệnh hành chính hay là 'ngăn sông cấm chợ'

Minh Phương 17/09/2018 07:40

Những ngày gần đây, thông tin về việc nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt khiến cho dư luận khá hoang mang. Trước tình trạng này, UBND TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã có biện pháp khá mạnh mẽ: lệnh cấm nhập nông sản Trung Quốc vào địa phương này. Động thái này đang gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều… Nhiều ý kiến cho rằng, hình thức “ngăn sông cấm chợ” kiểu này là đi ngược với xu thế hội nhập.

Câu chuyện nông sản Trung Quốc đội lốt nông sản Đà Lạt không phải là mới, thực ra nó đã tồn tại nhiều năm qua và trở thành nỗi ám ảnh của người dân tỉnh Lâm Đồng và người tiêu dùng. Gần đây, nông sản Trung Quốc gắn mác Đà Lạt được các tiểu thương đưa xuống cả TP Hồ Chí Minh tiêu thụ, lúc này, câu chuyện nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt bắt đầu lại được xới lên.

Đỉnh điểm của vấn đề được đẩy lên khi UBND TP Đà Lạt đưa ra quyết định sẽ cấm cửa nông sản Trung Quốc vào chợ Đà Lạt kể từ ngày 15/9. Theo đó, trước tình trạng nhiều hộ kinh doanh nhập nông sản Trung Quốc để mạo danh nông sản Đà Lạt đưa đến TP HCM tiêu thụ, UBND TP Đà Lạt cho biết từ ngày 15/9, các tiểu thương kinh doanh tại Chợ Nông sản Đà Lạt chỉ được kinh doanh các mặt hàng xuất xứ tại Đà Lạt, nghiêm cấm mọi hành vi lưu trữ, kinh doanh hàng hóa nông sản có xuất xứ ngoài địa phương để mạo danh nông sản Đà Lạt.

Đồng thời, chính quyền thành phố cũng lắp đặt 4 camera tại khu vực chợ Đà Lạt để giám sát các hoạt động vận chuyển, kinh doanh các loại nông sản. Động thái của UBND TP Đà Lạt nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến ủng hộ vì cho rằng, nếu tiếp tục để tái diễn tình trạng nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu của nông sản Đà Lạt cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự bất đồng vì cho rằng giải pháp này không phù hợp với xu thế hội nhập hiện nay. Trung Quốc hiện là thị trường quan trọng của Việt Nam, nhất là lĩnh vực xuất khẩu nông sản, nếu phía Trung Quốc cũng cấm ngược lại thì hàng nông sản Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Trong khi đó, Lâm Đồng dù có sản xuất được một lượng nông sản lớn như khoai tây, cà rốt thì cũng chỉ mang tính thời vụ chứ không thể đủ nguồn cung quanh năm cho thị trường. Do đó, giải pháp này nếu duy trì và nhân rộng sẽ vô cùng bất cập.

Luật sư Hoàng Ngọc – Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự, cho rằng sử dụng mệnh lệnh hành chính trong trường hợp này là không phù hợp. Thậm chí là sai. Vì nếu cấm, thì phải yêu cầu tiểu thương ghi rõ xuất xứ nông sản thì mới xử lý được.

“Để có thể phân biệt khoai tây Đà Lạt với khoai tây Trung Quốc, có thể ghi rõ, ở đây bán khoai tây Đà Lạt để khẳng định thương hiệu khoai tây của vùng Đà Lạt nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để cấm được” – ông Ngọc nhấn mạnh, thêm rằng hiện chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, tự do giao thương, tự do buôn bán, bởi vậy, đưa ra lệnh cấm là phi lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mệnh lệnh hành chính hay là 'ngăn sông cấm chợ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO