Miền Tây và giấc mơ đường sắt

Đoàn Xá 18/07/2017 09:35

Mới đây Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chính thức giao Sở GTVT thành phố nghiên cứu dự án xây dựng tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ để trình Bộ GTVT phê duyệt. Với việc nối liền 5 địa phương là TP HCM - Cần Thơ và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, dự án đường sắt này kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế, giao thông ở trong khu vực miền Tây.

Ngành đường sắt còn ngổn ngang những nỗi lo.

Ngoài ra, dù chỉ kéo dài khoảng 170km nhưng tuyến đường này cũng sẽ nối liền hàng chục khu công nghiệp lớn ở vùng Nam bộ như KCN Tân Tạo, Xuyên Á, Sóng Thần, Bến Lức… và thời gian di chuyển từ ga đầu tới ga cuối cũng chỉ mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông lại cho rằng, việc xây dựng hệ thống đường sắt đi miền Tây hiện nay là không khả quan bởi ngành đường sắt đang trong giai đoạn… thoái trào, khó thu hút vốn đầu tư cũng như hành khách.

Cụ thể, với số vốn lên đến hơn 7 tỷ USD (khoảng hơn 150 ngàn tỷ đồng), dự án khổng lồ này tiêu tốn nguồn ngân sách cực lớn. Đặc biệt, do kéo dài qua nhiều tỉnh thành, lại chạy dọc tuyến đường quốc lộ 1A hiện hữu nên chi phí giải phóng mặt bằng sẽ phát sinh rất nhiều. Thậm chí so với lần đầu tiên được đề xuất (năm 2008), số vốn phát sinh của dự án này đã tăng gấp 2,5 lần. Nghĩa là nếu hoàn thành, rất có thể đại dự án này cũng sẽ tiếp tục đội vốn chứ không dừng lại ở con số khổng lồ trên.

Ngoài ra, theo đơn vị đề xuất, ban đầu dự án chạy từ ga Cái Răng (TP Cần Thơ) tới ga An Bình (Bình Dương) nhưng hiện nay, đơn vị này lại đề xuất ga cuối là Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP HCM), giảm khoảng 40km so với ban đầu. Nhiều ý kiến cho biết, dù chỉ 40km nhưng nếu cắt ngắn thì tuyến đường sắt này không còn nhiều ý nghĩa bởi lượng hàng hóa, hành khách ở khu vực TP HCM là chủ yếu nếu đưa vào khai thác. Ngoài việc thiếu nhất quán về chiều dài, việc khai thác đường đơn cho toàn tuyến tàu cũng là một nhược điểm rất lớn của tuyến đường sắt độc đạo này.

Ngoài nguồn vốn, các chuyên gia còn nhận định mặc dù hiện nay giao thông đường bộ về các tỉnh miền Tây chưa thực sự thông thoáng (chỉ có tuyến quốc lộ 1A) và chưa có tuyến cao tốc nối trung tâm Cần Thơ với TP HCM nhưng phát triển đường sắt sẽ khó khăn hơn so với đường bộ (cao tốc) hay đường thủy.

Do thổ nhưỡng đặc thù của khu vực này, việc xây dựng đường sắt sẽ khiến chi phí cao hơn mà hệ số an toàn lại thấp đi vì có quá nhiều các tuyến sông ngòi, kênh rạch cắt ngang. Đặc biệt, nếu tuyến đường này chỉ ưu tiên vận chuyển hàng hóa thì nên phát triển hệ thống đường thủy thay thế bởi nguồn vốn thấp mà hiệu quả lại cao. Còn lại vận tải hành khách, đường bộ sẽ có nhiều ưu thế hơn vì tính kết nối (với các bến xe, đường bộ khác) chứ không phải đường sắt.

Trong bối cảnh ngành đường sắt đang rơi vào cảnh lao đao vì quá nhiều hệ lụy và khó có thể cạnh tranh với các loại hình vận tải khác nhưng lại bỏ ra một số tiền khổng lồ (non nửa tổng số tiền xây dựng sân bay Long Thành) để làm một tuyến đường sắt khác khiến nhiều người lo lắng khó thu hồi nguồn vốn đầu tư. Bài toán đường sắt miền Tây cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Miền Tây và giấc mơ đường sắt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO