Minh bạch giải quyết tranh chấp

Lê Anh 25/05/2018 02:39

Tạo cơ chế mạnh mẽ cho thu hút đầu tư nước ngoài, đồng nghĩa với việc Chính phủ cần tạo một hành lang minh bạch để giải quyết các tranh chấp nảy sinh giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Đây là vấn đề được đông đảo các chuyên gia kinh tế, luật gia, luật sư, đại diện nhà đầu tư trong và ngoài nước tham vấn, góp ý tại Hội thảo “Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước: Các vấn đề Pháp lý và thực tiễn”, do Khoa Luật Quốc tế - Đại học Luật TP HCM tổ chức, ngày 24/5.

Cần có tòa giải quyết tranh chấp về đầu tư

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Việt Dũng (ĐH Luật TP HCM) cho biết, kể từ khi mở cửa thị trường, Việt Nam rất coi trọng chính sách về thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, bên cạnh việc liên tục hoàn thiện và phát triển khung pháp lý quốc gia cho đầu tư trong quá trình hội nhập, nhà nước đã tích cực đàm phán ký kết Hiệp định đầu tư quốc tế (IIAs) với hầu hết các đối tác kinh tế quan trọng.

Theo chuyên gia này, tính đến tháng 4/2018, Việt Nam đã ký 65 Hiệp định đầu tư song phương (BIT) và 26 hiệp định khác liên quan đến đầu tư. Tất cả các hiệp định IIAs này đều phù hợp quy định về đầu tư của EVFTA, được coi như một công ước quốc tế giải quyết tranh chấp thế hệ mới, với nhiều nội dung tự do hóa thương mại và cấp độ hội nhập sâu rộng.

“Việc xác lập một cơ chế giải quyết tranh chấp minh bạch, tại một cơ quan giải quyết tranh chấp cố định, với hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm quan trọng như một cơ chế cơ quan tài phán bán tư pháp, tương tự như của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)” – PGS.TS Trần Việt Dũng chia sẻ.

Theo cơ chế này, Ủy ban thương mại của EVFTA sẽ bổ nhiệm 9 thẩm phán cho tòa án cấp phúc thẩm, trong đó đảm bảo có 3 người là công dân Việt Nam. Đối với tòa phúc thẩm có 6 thẩm phán, với hai người đến từ EU, 2 người Việt Nam và hai người còn lại là từ nước thứ ba.

Luật sư Logan Leung, chuyên gia cao cấp thuộc Công ty Luật Rajah&Tann nói: Chúng tôi nhận thấy những động thái khá tích cực là Việt Nam luôn rất tích cực trong việc tạo ra các hành lang để giải quyết tranh chấp, nhưng về lâu dài Việt Nam nên tham gia vào một khuôn khổ công ước quốc tế về giải quết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam vẫn còn thận trọng trong xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư cũng có những cơ sở lý giải, trong bối cảnh những rủi ro đã từng xảy ra.

Nhiều khuyến nghị

Tại Hội thảo, một số chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị về việc lựa chọn thẩm phán cho các tòa giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước. Đó là các thẩm phán bị cấm không được làm luật sư và luôn phải sẵn sàng tham gia xét xử khi được chỉ định. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn lo ngại khi các thẩm phán hiện nay vẫn có thể làm các công việc ngoài tòa (kinh doanh, trọng tài thương mại) và có thể ảnh hưởng nhất định đến sự độc lập của các thẩm phán.

Theo PGS.TS Trần Việt Dũng, cần hướng đến hạn chế các chi phí tố tụng cho nhà nước thông qua các quy định về hợp nhất thủ tục tố tụng hay hạn chế các thủ tục khiếu kiện trong cùng một thời điểm. Quan trọng nhất là phải nâng cao sự minh bạch trong thủ tục tố tụng thông qua việc buộc hệ thống tòa án công khai hóa các thông tin của vụ kiện.

Còn theo TS Nguyễn Thanh Tú (Vụ Phát luật Dân sự - Kinh tế - Bộ Tư pháp) thì cho rằng, điều cần thiết là phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế hay quản lý xung đột đầu tư quốc tế đang được nhiều quốc gia quan tâm thời gian gần đây.

Về lâu dài, các chuyên gia luật tại hội thảo cũng kiến nghị Chính phủ nên hình thành một quy trình, hành lang riêng để giải quyết các vướng mắc của nhà đầu tư nước ngoài, hay hoạt động đầu tư nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch giải quyết tranh chấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO