Minh bạch tài sản doanh nghiệp

T.Hằng 01/12/2016 09:05

Lần lượt các Tập đoàn, Tổng công ty (doanh nghiệp nhà nước - DNNN) như Vinacomin, hay gần đây nhất là Tổng công ty Điện lực Miền Trung bắt buộc công bố doanh thu doanh nghiệp, cũng như danh mục đầu tư trong 9 tháng đầu năm 2016. Việc công khai thông tin doanh nghiệp là việc không thể né tránh mãi được.

Công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước còn thiếu minh bạch.

Lộ dần những góc khuất

Tổng công ty Điện lực Miền Trung là cái tên mới nhất vừa được cập nhật trên mục công bố thông tin của Cổng thông tin doanh nghiệp ngày 30/11. Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vừa công bố báo cáo tài chính 9 tháng năm 2016.

Tuy nhiên hiện nay, số lượng các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thực hiện các yêu cầu công bố báo cáo khá nhỏ giọt và chưa thực sự nghiêm túc. Có một lý do khiến các doanh nghiệp ngại công bố thông tin doanh nghiệp vì sợ lộ ra nhiều góc khuất trong kinh doanh.

Ví dụ, báo cáo tài chính của Vinacomin, doanh thu công ty mẹ 9 tháng năm nay tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 44.379 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu sản xuất than trong nước là chủ yếu, với mức tiêu thụ khoảng 27,2 triệu tấn than. Xuất khẩu giảm mạnh chỉ đạt 380.600 tấn giá trị 834 tỷ đồng, giảm 63,7% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/9, tổng tài sản Vinacomin đạt 98.381 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong khi nợ phải trả lên tới 64.432 tỷ đồng, riêng vay nợ ngân hàng các bên lên tới 52.500 tỷ đồng.

Về đầu tư, tính đến cuối tháng 9, Vinacomin chi khoảng 16.338 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu vào các công ty con hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ như Than Mông Dương, Vàng Danh, Hà Lầm, Bệnh viện Than - Khoáng sản, Than Cẩm Phả, Than Miền Trung, Than Miền Nam…

Tuy nhiên, một số khoản đầu tư của Vinacomin đang lâm vào thua lỗ, như số vốn rót vào Công ty Cổ phần Vận tải thủy với khoản trích lập dự phòng thua lỗ lên tới 76 tỷ đồng, công ty LD KS Steung Treng là 55,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh trích lập thua lỗ tới 130 tỷ đồng.

Mới đây Bộ Công thương tiếp tục yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc đầy đủ và đúng quy trình việc xây dựng, triển khai kế hoạch, thực hiện kê khai, công khai bản kê khai xác minh xử lý và minh bạch tài sản. Điều đáng nói là Bộ Công thương hiện là cơ quan chủ quản nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn. Tuy nhiên, động thái của Bộ Công thương cũng chỉ là một phần nhỏ trong việc minh bạch hóa và công bố công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, công cụ hữu hiệu để Nhà nước giám sát việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này, tránh gian lận, thất thoát.

Nhiều doanh nghiệp trốn công bố

Thế nhưng, tại cuộc hội thảo về giám sát tài chính DNNN diễn ra vào ngày 29-11, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho hay, theo kết quả tìm hiểu về việc thực hiện Nghị định 81/2015, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty không công bố hoặc công bố không đầy đủ thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh theo định kỳ quý/năm.

Đáng chú ý, trong số các DNNN không thực hiện công bố thông tin hoặc công bố không đầy đủ có các, tổng công ty lớn như Tổng Công ty Thuốc lá (Vinataba), Tổng Công ty Giấy, Tổng Công ty Cà phê (Vinacafe), MobiFone, Vinaphone… Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí còn cho biết, công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước còn thiếu minh bạch, đôi khi thể hiện sự đối phó.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương cho rằng, tài sản trong các doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn. Việc công khai, minh bạch và đòi hỏi trách nhiệm giải trình với khối tài sản này sẽ tạo điều kiện để khối tài sản này được sử dụng hiệu quả.

Giới chuyên gia cũng cho biết một khi các thông tin tài chính, tài sản, kế hoạch đầu tư được công khai định kỳ, thông qua việc giám sát, phân tích hiệu quả hoạt động của DNNN thì các cơ quan chủ quản mới có thể cảnh báo về rủi ro hoạt động DNNN. Từ đó có giải pháp khắc phục kịp thời những tồn tại của DNNN.

Báo cáo mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết: Tính đến ngày 20/11 đã có 56 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 6 Tổng công ty nhà nước. Bên cạnh đó có 3 Tổng công ty đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đang triển khai xây dựng phương án cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt (Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp-IDICO, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị-HUD). Lũy kế 11 tháng năm 2016, các đơn vị đã thoái được 3.558 tỷ đồng, thu về 6.569 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Minh bạch tài sản doanh nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO