Mở van tín dụng: Bơm vốn ra thị trường

Hồ Hương 25/07/2015 09:10

Nhu cầu tín dụng từ phía doanh nghiệp lẫn khách hàng cá nhân đang tăng mạnh trong thời gian gần đây. Từ đó, một số ngân hàng đã đẩy nhanh các thủ tục để giải ngân vốn...

Hoạt động tín dụng đã trở nên sôi nổi. (Ảnh: Hoàng Long).

Tín dụng tăng nhanh

Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý III, đa số các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay duy trì xu hướng ổn định hoặc giảm nhẹ trong Quý III-2015; khoảng 51-61% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất tính đến cuối năm 2015 sẽ giảm so với cuối năm 2014, trong đó lãi suất cho vay được nhiều TCTD kỳ vọng giảm hơn so với lãi suất huy động. Thanh khoản của các TCTD đang ở trạng thái tốt.

Những nền tảng này khiến cho khoảng 99% tổ chức tín dụng tin rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ đạt khoảng 18,2% trong năm 2015.

Trước khi công bố kết quả điều tra này, NHNN cũng đã chính thức mở van tín dụng cho 16 tổ chức ngân hàng trong nước và ngoài nước đặt chi nhánh tại Việt Nam. Một số NHTM có vốn nhà nước được chấp nhận điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng lên 16%, một số NHTM cổ phần được nới tín dụng lên 36%. Cùng thời điểm này, các thương vụ mua bán sáp nhập ngân hàng cũng đã được thực hiện. Theo đó, một số thương vụ lớn cần sự ra tay của NHNN đã hoàn tất, hay chuyện ngân hàng MDB (Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông) cũng chính thức về với MSB (NHTMCP Hàng Hải Việt Nam) sau khi giấy phép hoạt động được cấp đã hết hạn.

Nhiều ngân hàng cho biết đang lên kế hoạch đẩy nhanh tốc độ vốn ra thị trường. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, đầu năm đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13 %– 15%, tuy nhiên căn cứ vào tình hình có thể nới con số tăng trưởng tín dụng lên 17%. NHNN đã quán triệt và chỉ đạo các TCTD phải chủ động và nâng cao trách nhiệm trong việc cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Trung Thành, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV cho biết: BIDV xây dựng hệ thống văn bản về rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động; xếp hạng tín dụng nội bộ, kiểm soát nội bộ.

Quyết đưa nợ xấu về dưới 3%

Bản thân các TCTD kỳ vọng rủi ro của nhóm khách hàng tiếp tục ổn định hoặc giảm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu giảm. Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống được kỳ vọng bình quân ở mức 2,49% tính đến cuối năm 2015, thấp hơn so với mục tiêu 3% mà NHNN đã đặt ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN.

Và quyết đánh tan nợ xấu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình yêu cầu các ngân hàng tập trung triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu như yêu cầu phải bán nợ cho VAMC (Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng), các NH cũng được yêu cầu tiết giảm chi phí để xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên cũng có nghi ngại đặt ra, các NH đang sử dụng biện pháp kỹ thuật để làm nhỏ con số nợ xấu. Khi dư nợ tín dụng được đẩy tăng lên thì tỷ lệ nợ xấu bị co hẹp lại. Bản chất nợ xấu chưa hề thay đổi.

Ngày 24-7, bình luận về việc ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng và giải quyết nợ xấu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói: Đây là điều không dễ. Quan trọng là chất lượng xử lý nợ xấu như thế nào? VAMC là một công cụ trong việc làm “sạch” bản cân đối kế toán tạm thời cho các ngân hàng. Còn sau đó nợ xấu sẽ được xử lý triệt để ra sao lại là một câu chuyện khác.

Trong khi đó chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nói rõ quan điểm từ kỳ vọng đến thực tế là khoảng cách xa. NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng, không khác gì giao xe cho người ta lái, nhưng người lái lại không biết lái dẫn đến nguy hiểm. Nợ xấu là hệ lụy của việc đi lệch hướng khi NH quá chú trọng cho vay thế chấp, không quan tâm đến doanh nghiệp dùng tiền như thế nào, hiệu quả đồng tiền ra sao.

Do vậy gốc của xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần là bán đi, bán lại. NHNN từng có phương án xây dựng trung tâm đấu giá tài sản để giải quyết nợ xấu nhưng cũng chưa rõ ràng, cụ thể .

Theo ông Bùi Kiến Thành, VAMC đã mua một khối lượng lớn nợ xấu và sẽ tiếp tục mua nợ xấu . Song nhiệm vụ nặng nề là làm sao để xử lý số nợ xấu đã mua này. Làm sao để biến nợ xấu thành nợ tốt, biến nợ thành tiền .

Phía NHNN khẳng định với tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian vừa qua, NHNN sẽ bơm hút tiền linh hoạt để các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở van tín dụng: Bơm vốn ra thị trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO