Mối lo 'tốt nghiệp' ODA

Minh Phương 26/03/2016 11:10

Cùng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn vốn quý đối với sự phát triển chung của nước nhà. 

Mối lo 'tốt nghiệp' ODA

Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh) sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.

Thống kê cho thấy, trong vòng khoảng 10 năm (từ năm 2003 đến 2012), Việt Nam đã nhận khoảng 80 tỉ USD viện trợ ODA và giải ngân được khoảng 66%. Với thời hạn cho vay kéo dài hàng chục năm và mức lãi suất ưu đãi, nguồn vốn ODA thực sự đã góp phần tạo cho nền kinh tế Việt Nam một diện mạo mới chỉ trong vòng hơn một thập kỷ qua khi được đầu tư tập trung cho các lĩnh vực trọng điểm như: giao thông, năng lượng điện, nông, lâm nghiệp - thủy sản, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ - môi trường, cấp thoát nước, điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cải cách kinh tế…

Tuy nhiên, công bố mới đây của Bộ Tài chính về việc, từ tháng 7/2017, Việt Nam có thể sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển sang vay vốn theo điều kiện thị trường (vay thương mại). Lý giải của giới chuyên môn, ODA từ lâu được coi như một “bầu sữa” quý giá đối với sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh- Trưởng Bộ môn Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) chia sẻ với Đại Đoàn Kết, vay nợ ODA, Việt Nam không phải lo đến thời hạn phải trả, cũng như không bị áp lực về lãi suất. Do đó, từ nguồn vốn này, Việt Nam đã đầu tư vào những công trình, dự án lớn mang tầm chiến lược đối với nền kinh tế. Trong khi ở chiều ngược lại, nếu phải đi vay thương mại, với những áp lực về thời hạn trả và lãi suất vay, chắc chắn sẽ gây khó khăn cho chúng ta khi tính toán đến việc đầu tư vào những dự án, công trình trọng điểm. Như vậy, khi không còn được vay ưu đãi từ nguồn vốn này, chắc chắn nền kinh tế sẽ gặp những khó khăn nhất định. Việc tìm nguồn vốn thương mại với những áp lực về lãi suất thực sự là gánh nặng đối với chúng ta.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy mặt tích cực khi Việt Nam không còn quá phụ thuộc vào ODA nữa. “Vay thương mại, lãi suất cao, áp lực trả nợ lớn, buộc người đi vay phải có những tính toán để sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả nhất”- PGS Thịnh nhận định.

Thời gian qua, việc “xài” vốn ODA thoải mái đã dẫn đến việc thất thoát, lãng phí. “Do vốn dễ tiếp cận và trách nhiệm của người đi vay không cao nên đã dẫn đến thực trạng, nhiều dự án sử dụng vốn ODA kém hiệu quả, nảy sinh nhiều bất cập”- Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ từng nhận định.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng có cái nhìn khá lạc quan khi cho rằng, đã đến lúc nền kinh tế cần phải giảm dần phụ thuộc vào nguồn vốn ODA. Chỉ những dự án nào thấy thực sự cần thiết thì mới làm, không phải cứ thấy ưu đãi là lao vào. Vì bản chất của ODA là sự phụ thuộc, vay thì phải trả nợ về sau, ODA không phải là vốn cho không.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mối lo 'tốt nghiệp' ODA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO