Mòn mỏi chờ vốn ngân hàng

Thanh Giang 19/05/2020 08:00

Để đẩy mạnh sản xuất sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Thế nhưng, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn mỏi mòn trông ngóng vốn ngân hàng.

Mòn mỏi chờ vốn ngân hàng

Doanh nghiệp mong sớm tiếp cận được vốn tín dụng.

Khó tiếp cận

Theo nhận định của hiệp hội các ngành nghề, hiện nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng đã cạn kiệt các nguồn lực kinh doanh như: Thiếu nguyên liệu đầu vào sản xuất, xuất khẩu bị đình trệ, giảm đơn hàng, chậm thanh toán, dòng tiền kinh doanh bị bẻ gẫy, nguy cơ mất tính thanh khoản cao. Từ đó quy mô sản xuất bị thu hẹp.

Dự báo sang quý II, số lượng doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản nguy cơ tăng cao. Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM chỉ rõ, trong số các doanh nghiệp thực hiện khảo sát có 21% tiếp tục cầm cự được đến hết tháng 5; 19% sẽ phá sản trong quý 2; 12% có khả năng duy trì đến hết tháng 9; 2% duy trì được đến cuối năm; 34% không xác định được tồn tại đến khi nào.

Khó khăn do tác động của dịch bệnh lên sản xuất kinh doanh khá lớn, hàng loạt doanh nghiệp phải cố gắng giảm tối đa thiệt hại. Để đẩy mạnh sản xuất sau dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Thế nhưng, thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn mỏi mòn trông ngóng vốn ngân hàng.

Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm TP HCM khẳng định: “Thời gian vừa qua rất nhiều doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi vay vốn tín dụng. Một số doanh nghiệp phản ánh các điều kiện vay vốn thậm chí còn khắt khe, chặt chẽ hơn. Thủ tục thẩm định, chứng minh thiệt hại còn phức tạp, rườm rà. Các chính sách hỗ trợ hiện cũng rất khác nhau giữa các ngân hàng”.

Bà Lý Thị Kim Chi cho rằng, ngành sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm cần và được ưu tiên hấp thụ vốn để gia tăng sản xuất vì cung cấp các sản phẩm thiết yếu. Quan trọng hơn, thời điểm như lúc này nếu doanh nghiệp có vốn để có thể triển khai nhanh và hiệu quả việc tái cấu trúc, mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc, mã vùng..., để tận dụng thị trường trong nước và sẽ là cơ hội rộng lớn để nhanh chóng trở lại xuất khẩu khi các đối thủ khác còn đang phải chống dịch.

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cho hay, có 53% biết đến chính sách ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay… Nhưng chỉ có 28% số doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, Hiệp hội đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM thiết lập cơ chế thông tin nhanh danh sách các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 đang nợ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận vay vốn được ngân hàng để hỗ trợ kịp thời. Các rào cản về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch Covid - 19 gây ra, tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ vẫn là nút thắt lớn nhất để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay. Ngay cả khi tiếp cận được với ngân hàng thì số lượng vốn ngân hàng cho doanh nghiệp vay cũng không thỏa mãn được kế hoạch phát triển và tăng trưởng.

Đẩy mạnh hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp

Bàn đến đòn bẩy hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy và phát triển sau dịch bệnh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần được hỗ trợ về vốn nhằm đảm bảo thanh khoản kinh doanh. TS. Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fullbright nêu quan điểm: “Doanh nghiệp phải đảm bảo thanh khoản giúp duy trì hoạt động. Muốn làm được như vậy thì thành phố nên phát hành trái phiếu địa phương để hỗ trợ”. Ngoài ý kiến trên, rất nhiều người cho rằng, nếu được thành phố nên đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp với ngân hàng như trước đây giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNNVN về chính sách cơ cấu lại các khoản nợ cũ, giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay mới cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải chờ xây dựng thêm khung pháp lý về tiêu chí áp dụng cho đối tượng thụ hưởng doanh nghiệp mới có thể tham gia được. Mong muốn sớm tiếp cận được nguồn vốn vực dậy sản xuất sau dịch bệnh, một số đại diện doanh nghiệp kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuẩn đối với việc thẩm định, đánh giá thiệt hại, ban hành danh mục ngành nghề, lĩnh vực chịu thiệt hại trực tiếp do Covid-19. Từ đó giúp doanh nghiệp hưởng hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, hạn chế việc “xin - cho” bằng quan hệ, lợi dụng chính sách.

“Với gói chính sách đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sản xuất ngân hàng cần sớm thẩm định trả lời cho doanh nghiệp được vay hay không với các điều kiện đảm bảo an toàn cho vay, khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, chuyển đổi công nghệ…”- ông Chu Tiến Dũng nói. Cũng theo vị này, chính sách hỗ trợ cho vay cần phù hợp với từng đối tượng doanh nghiệp theo ngành nghề kinh doanh, quy mô sản xuất không nên đánh đồng các loại hình, các ngành nghề với nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mòn mỏi chờ vốn ngân hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO