Mong manh doanh nghiệp dệt may

T.Hằng 30/10/2017 09:20

Ngành dệt may được đánh giá là ngành có thế mạnh, hàng năm đem một lượng ngoại tệ lớn về cho đất nước. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hiện nay ngành này đang phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài.

Dệt may vẫn phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Xuất hai nhập một

Ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc như thế nào vào nguyên liệu nhập? Để trả lời câu hỏi này hãy thử nhìn lại dữ liệu thống kê tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm một số ngành trọng điểm.

Tựu chung lại, kết quả xuất khẩu có được đến từ kỳ tích nhập khẩu. Ở lĩnh vực hàng dệt may, theo số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan công bố, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 9 tháng 2017 lên 19,21 tỷ USD.

Ở nhóm hàng xơ sợi dệt các loại, tương tự kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2017 đạt 991 nghìn tấn, trị giá 2,63 tỷ USD. Song ở chiều ngược lại, để xuất khẩu có con số ấn tượng đó thì trong 9 tháng đầu năm chúng ta phải nhập khẩu nhóm các loại vải 8,26 tỷ USD.

Lưu ý đặc biệt, các thị trường cung cấp vải các loại cho Việt Nam 9 tháng chủ yếu gồm: Trung Quốc với 4,4 tỷ USD, tăng 11,6%; Hàn Quốc với 1,49 tỷ USD, tăng 6,5%; Đài Loan với 1,17 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước…

Ở nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy, 9 tháng đầu năm nhập 1 lượng hàng có trị giá 4,08 tỷ USD. Các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy cho Việt Nam 9 tháng thống kê chủ yếu gồm: Trung Quốc với 1,53 tỷ USD, tăng 10,9%; Đài Loan với 378 triệu USD, tăng 6,8%; Hàn Quốc với 571 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy có thể thấy rằng, cơ hội mang lại giá trị thặng dư cho doanh nghiệp (DN) dệt may quá mong manh khi nhìn vào nội lực của DN. Do không chủ động được nguồn nguyên liệu nên DN phải nhập khẩu, Việt Nam cũng không tạo ra được những thương hiệu xuất khẩu lớn nên chỉ đứng ở giữa làm vai trò gia công.

Nhiều chuyên gia còn so sánh: Việt Nam có thời kỳ chỉ đạp máy khâu. Còn nhớ vào thời điểm năm 2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam còn có công văn gửi các DN trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

Đề nghị này xuất phát từ việc hiện nay ngành dệt may Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên phụ liệu từ nước ngoài, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, 3 năm sau, dường như con số nhập siêu nguyên phụ liệu nước ngoài đặc biệt là hàng Trung Quốc vẫn không thay đổi.

Ì ạch phụ trợ

Công nghiệp phụ trợ là lĩnh vực được quan tâm đặc biệt nên thời gian qua, Chính phủ đã phê duyệt hàng loạt chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ.

Đáng chú ý Chính phủ đã chỉ đạo thành lập các khu công nghiệp chuyên sâu tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp hỗ trợ... Tuy nhiên, kỳ vọng phát triển vào lĩnh vực này vẫn chưa thành hiện thực.

Với ngành công nghiệp điện - điện tử, mặc dù ngành này khá phát triển nhưng công nghiệp sản xuất linh phụ kiện điện tử vẫn chưa có bước đi tương xứng.

Sản xuất linh phụ kiện điện tử chỉ chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư của ngành, không đủ để cung ứng cho lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử gia dụng chiếm 67% và điện tử chuyên dụng chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư.

Các DN điện tử có mặt tại Việt Nam phần lớn là lắp ráp, tích hợp các thành phần tạo thành sản phẩm cụm linh kiện, trên cơ sở nhập khẩu các sản phẩm điện tử cơ bản như: bảng mạch, các linh kiện bán dẫn...

Tương tự, với ngành xuất khẩu mũi nhọn như dệt may và da giày, toàn bộ máy móc, thiết bị sản xuất hiện nhập từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Về nguyên phụ liệu dệt may, da giày, nhiều kỳ vọng đang đặt vào thời điểm năm 2015, khi nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng), công suất 160 nghìn tấn/năm và nhà máy sản xuất xơ Fomusa (Đài Loan) tại khu công nghiệp Nhơn Trạch, công suất 60.000 tấn/năm đi vào hoạt động.

Khi ấy, sản xuất xơ trong nước sẽ đáp ứng được 80-90% nhu cầu xơ của ngành dệt may. Thế nhưng, hiện thực không như vậy.

Nhà máy sơ sợi này còn đang tạm đắp chiếu và lỗ nặng. Đến nay ngành dệt may vẫn phải nhập nguyên liệu nước ngoài về là chính.

Phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam.

Đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp phụ trợ chiếm trên 33% giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo.

Xét trên cả tầm nhìn trung và dài hạn, lĩnh vực công nghiệp phụ trợ đóng một vai trò quan trọng, bởi đây là nền tảng để xây dựng các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành công nghiệp Việt Nam, hướng tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020.

Song theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, hiện dệt may Việt Nam mới chỉ mạnh ở khâu may, các khâu còn lại như sợi, dệt, nhuộm hoàn tất chưa đáp ứng được nhu cầu.

Công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện đang vướng “nút thắt cổ chai” khi 80% vải nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mong manh doanh nghiệp dệt may

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO