Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Hoài Vũ (thực hiện) 01/02/2016 07:20

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặt ra những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội đất nước trong 5 năm tới (2016-2020). Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, phải đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cần thành lập một cơ quan chuyên quản về vốn nhà nước tại doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

Ông Vũ Tiến Lộc.

PV: Ông nhận định sao về việc Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng xác định sẽ sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại?

Ông Vũ Tiến Lộc: Mục tiêu quan trọng là trong 5 năm tới chúng ta cơ bản xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Điều này tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển. Chúng ta cần một chặng đường dài hơn để đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại Thời gian chưa thể định lượng chính xác, nhất là trong hoàn cảnh thế giới đang có nhiều biến động.

Nhưng, để trong 5 năm tới chúng ta phải hoàn thiện được thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập thì đấy là quyết tâm rất cao. Tôi nghĩ rằng, để làm được điều đó phải đẩy mạnh hơn nữa cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước, giải phóng cho các DN này ra khỏi lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Ngoài ra, cần giải phóng DNNN khỏi các mệnh lệnh hành chính không hiệu quả. Cần thành lập một cơ quan chuyên quản về vốn của Nhà nước tại DN, đồng thời khẳng định vai trò của khu vực tư nhân trong phát triển.

Đại hội lần này tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực cao nhất của thế giới. Nền kinh tế thị trường là tinh hoa của trí tuệ nhân loại và có những thực tiễn tốt, chúng ta hướng tới thực tiễn đó. Vừa qua, Chính phủ đã hướng tới nền hành chính Việt Nam phải nằm trong ASEAN 4, tức là Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực tốt nhất, và đó là hướng chính xác.

Trong thời gian qua, một trong những thành công quan trọng của công cuộc đổi mới là đã hình thành một đội ngũ DN, doanh nhân ngày càng đông đảo. Khu vực DN tư nhân có đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế và quan trọng nhất là khu vực này tạo ra công ăn việc làm, bệ đỡ rất tốt cho một nền kinh tế khởi nghiệp trong bối cảnh hội nhập. Chúng ta đang có những nền tảng cơ bản của nền kinh tế thị trường dù còn những điểm cần phải tiếp tục đổi mới. Với việc tham gia vào hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ở cấp hàng đầu thế giới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU thì Nghị quyết Đại hội XII sẽ hướng tới thúc đẩy sự nghiệp làm kinh tế của toàn dân.

Theo ông, chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN, vậy có khác gì so với nền kinh tế thị trường hiện địa và hội nhập?

-Điểm quan trọng nhất của Nghị quyết là xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN gắn với tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Trong văn kiện của Đại hội cũng nêu rõ việc xây dựng một thể chế kinh tế thị trường XHCN theo những tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Chúng ta đã xác định hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hướng tới mục tiêu XHCN gắn với con đường chung của nhân loại. Hiện chúng ta đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền. Một Nhà nước mà ở đó, quyền tự do kinh doanh của người dân được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật. Chúng ta điều hành nền kinh tế theo một hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân, thúc đẩy sự phát triển của khu vực DN tư nhân để trở thành động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, kinh tế tư nhân là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các hiệp định thương mại với các đối tác lớn mà Việt Nam tham gia sẽ tạo điều kiện cho nền kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào thị trường một nước cụ thể nào đó, thưa ông?

- Các hiệp định thương mại tự do sẽ mở cửa thị trường cho sản xuất và xuất khẩu của ta, tạo cơ hội đa dạng hóa thị trường. Việt Nam là giao điểm của nhiều khu vực trên thế giới, là nước sở hữu các hiệp định thương mại tự do hàng đầu. Điều đó tạo ra một không gian mở cửa thị trường vô tận và tạo cơ hội cho ta đa dạng hóa thị trường và đảm bảo cho tính chất độc lập tự chủ khi hội nhập. Hội nhập trong thế tự chủ, trong một thế trận tự chủ. Hiệp định thương mại tự do cũng là động lực để thúc đẩy cải cách ở nước ta.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO