Ngăn chặn nguy cơ “bãi thải công nghiệp”

Minh Phương 18/06/2015 17:29

Không ít ý kiến bày tỏ lo ngại việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng của nhiều DN trong thời gian qua. Thiếu kiểm soát trong việc này sẽ biến Việt Nam thành kho chứa đồ lạc hậu, thải bỏ của các nước tiên tiến. Chỉ khoảng 10% DN nhập khẩu máy móc hiện đại, tiên tiến.

Ngăn chặn nguy cơ  “bãi thải công nghiệp”

Kiểm tra thiết bị nhập khẩu tại Lạng Sơn

Trước thực trạng này, các nhà quản lý đã nỗ lực vào cuộc. Một trong số các giải pháp phải kể đến Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ được ban hành vào ngày 15-7-2014. Tuy nhiên, ngay khi vừa “nhen nhóm”, Thông tư này đã nhận được sự phản ứng khá mạnh mẽ của cộng đồng DN do tính thiếu thực tiễn, thiếu khả thi của nhiều quy định trong Thông tư.

Một trong số điểm bất hợp lý được cộng đồng DN phản ứng nhiều nhất chính là quy định: Các dây chuyền máy móc đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam với điều kiện: thời gian sử dụng chưa quá 5 năm; có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên...

Với quy định này, rất nhiều chủ DN cho rằng, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản. Là bởi, nhiều máy móc, thiết bị của Nhật Bản tuy đã qua sử dụng 5 năm hoặc chất lượng chỉ còn bằng 70% so với ban đầu nhưng vẫn rất tốt, thậm chí tốt hơn nhiều máy móc, công nghệ mới của một số nước khác… Theo Luật sư Lương Thanh Quang- Công ty Luật TNHH Rajah &Tannn LCT Lawyers, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học để đưa ra quy định chất lượng còn 80% là phù hợp chứ không phải 70% hay thấp hơn? Liệu các cơ quan đăng kiểm của Việt Nam có đủ năng lực, máy móc thiết bị để khẳng định máy móc, công nghệ cần kiểm tra còn đạt 80% chất lượng hay 70%.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, quy định về thời gian sử dụng máy móc thiết bị cũng thiếu thuyết phục vì khó có cơ sở để đánh giá.

Nhận thấy những điểm bất cập, tính thiếu thực tiễn có thể gây tác dụng ngược cho nền kinh tế trong những quy định tại Thông tư 20, Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng Thông tư này.

Mặc dù khẳng định việc ban hành Thông tư 20 là nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu tràn lan máy móc, công nghệ cũ từ nước khác của các DN, song nhiều chuyên gia trong ngành nêu quan điểm, dụng ý tốt nhưng nếu thiếu tính thực tiễn, bất hợp lý, không khả thi sẽ gây bức xúc trong cộng đồng DN, trong dư luận xã hội, vô hình trung lại gây khó khăn cho hoạt động của DN…Tiếp thu những ý kiến phản hồi từ cộng đồng DN, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Thông tư 20 sửa đổi và tiếp tục lấy ý kiến trong dư luận, các tổ chức, cá nhân.

Tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng đã làm rõ vấn đề này. Theo đó, dự thảo Thông tư quy định, tổ chức, cá nhân nhập khẩu máy móc công nghệ cũ có thể chọn tiêu chí chất lượng còn 70% trở lên, hoặc không quá 10 năm sử dụng. Đây là điều kiện đã được mở rộng hơn so với Thông tư cũ quy định chất lượng phải còn từ 80% trở lên và không quá 5 năm sử dụng. Tuy nhiên cũng có một số máy móc ở một số lĩnh vực đòi hỏi chất lượng còn lại phải cao hơn 70% như trong lĩnh vực y tế, hoặc máy móc có ảnh hưởng đến môi trường. Đơn vị nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ về phải có chứng thư thẩm định chất lượng hoặc thời gian máy móc đã sử dụng, phát hành bởi tổ chức đủ điều kiện và được Việt Nam công nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn nguy cơ “bãi thải công nghiệp”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO