Ngành Công thương: Những nỗ lực mới

Minh Phương 04/01/2017 08:00

Năm 2016, Bộ Công thương đã gỡ bỏ hàng loạt rào cản doanh nghiệp liên quan đến các ngành như kinh doanh gas, kinh doanh thuốc lá… Việc xóa bỏ hàng loạt các rào cản kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính  đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của Chính phủ trong mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, tạo một môi trường hoạt động thông thoáng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Đoàn liên ngành kiểm tra tại Công ty cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam.

Bãi bỏ và đơn giản hóa hơn 120 thủ tục hành chính, loại bỏ 50% số công ty đa cấp trên thị trường, đặc biệt, kỷ luật nhân sự của ngành công thương được siết lại với hàng loạt quyết định bổ nhiệm sai bị thu hồi… Có thể khẳng định, năm 2016 là năm nhiều biến động lớn với ngành công thương.

Bỏ hàng loạt rào cản kinh doanh

Năm 2016, dư luận đã được chứng kiến sự phản ứng liên tục của cộng đồng DN đối với hàng loạt các quy định, thông tư được Bộ Công thương xây dựng lên. Đơn cử như Thông tư 20 về điều kiện kinh doanh nhập khẩu xe ô tô, Thông tư 37 đối với các DN ngành dệt may, Thông tư 07 về dán nhãn năng lượng và một loạt các quy định, điều kiện kinh doanh liên quan đến các ngành khác như kinh doanh gas, kinh doanh thuốc lá…

Lắng nghe ý kiến của cộng đồng DN về những rào cản kinh do chính các chính sách, quy định, thủ tục hành chính gây ra, giữa tháng 11/2016, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã công bố xóa bỏ 15 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 108 thủ tục khác trong số 443 thủ tục ở 19 lĩnh vực kinh doanh từ cấp xã tới cấp trung ương, tương đương với đơn giản hóa 27,8% tổng số thủ tục hành chính hiện có, nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, DN khi tiếp cận.

Động thái này của Bộ Công thương được cộng đồng DN và dư luận đồng thuận, đánh giá cao. Theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, việc xóa bỏ hàng loạt các rào cản kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của Chính phủ trong mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, tạo một môi trường hoạt động thông thoáng thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DN, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vẫn cho rằng, cải cách hành chính không chỉ nhằm vào thứ hạng của Bộ Công thương mà phải đo bằng sự hài lòng của người dân, DN.

Do đó, các đơn vị, ngành thuộc Bộ cần tiếp tục phân tích rõ vai trò, nhiệm vụ liên quan đến văn bản pháp quy, thể chế theo hướng minh bạch, đơn giản công khai, nhằm loại bỏ những thủ tục không cần thiết để giúp người dân và DN hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi và hiệu quả hơn.

Có thể thấy, chưa năm nào, nhiều “bê bối” về nhân sự của ngành được xử lý như năm 2016. Tháng 12/2016, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương đã báo cáo Ban Tổ chức Trung ương đưa 3 trường hợp là: ông Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Xuân Sơn và ông Võ Thanh Hà ra khỏi quy hoạch Thứ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2016-2021. Đồng thời, hàng loạt các quyết định chức danh cán bộ chủ chốt khác của Bộ cũng đã được thu hồi…

Trả lời báo giới về sự “tái cơ cấu” nhân sự một cách quyết liệt, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đất nước đang hướng tới một Chính phủ liêm chính, hành động và kiến tạo thì không có chỗ cho những mối quan hệ cá nhân”.

Dẹp loạn đa cấp

Năm 2016 cũng là một năm ngành công thương khá thành công trong việc “dẹp loạn” thị trường đa cấp. Theo đó, tính đến hết tháng 12-2016, Bộ Công thương đã thu hồi giấy chứng nhận và quyết định chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với hơn 30 công ty kinh doanh đa cấp.

Hiện tại, số DN hoạt động trong lĩnh vực này đã giảm khoảng một nửa so với con số 67 công ty của năm 2015. Bên cạnh đó, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động trong 6 tháng đầu năm cũng giảm 57%, chỉ còn khoảng 500 ngàn người so với con số 1,16 triệu người của năm 2015.

Ngoài ra, Bộ Công thương cho biết, cũng đã thực hiện thanh tra hàng loạt các DN đa cấp lớn như: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty Cổ phần Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty Cổ phần liên kết trí thức, Công ty cổ phần Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty TNHH Nhượng quyền thương mại Thăng Long…

Trước đó, Bộ này cũng đã kiểm tra và xử phạt công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam vì một số hành vi vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền phạt 10 triệu đồng. Riêng việc kiểm tra Thiên Ngọc Minh Uy, Bộ Công thương cho biết, vẫn đang trong thời gian tiến hành kiểm tra và Bộ vẫn đang nhận được nhiều khiếu nại đối với công ty này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành Công thương: Những nỗ lực mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO