Ngành thép: Hệ lụy từ phát triển nóng

Minh Phương 09/09/2016 09:15

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen xin đầu tư dự án thép (Hoa Sen Cà Ná) có số vốn lên tới hàng chục tỷ USD với lời hứa lợi nhuận cao và sử dụng công nghệ không ảnh hưởng đến môi trường. Giới chuyên gia lo ngại, sau sự cố Formosa, chấp nhận một dự án thép khổng lồ như Hoa Sen Cà Ná cần phải cân nhắc rất kỹ.

Ngành thép đang phát triển quá nóng.

Đại dự án, lo môi trường

Chưa hết hoang mang vì những hệ lụy mà Formosa gây cho môi trường biển nhiều tháng qua, dư luận xã hội lại tiếp tục lên cơn sốt vì tuyên bố thẳng thừng của vị Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ: “Ngu gì mà không làm thép”. Kèm theo lời tuyên bố đó là bản phác họa một tương lai sáng lạn của ngành thép khi dự án thép khổng lồ Hoa Sen – Cà Ná được hoàn thành.

Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông bất thường của Tôn Hoa Sen diễn ra hôm 6/9, ông Vũ tự tin tuyên bố rằng, dự án thép Cà Ná với nguồn vốn khả thi (khoảng 250.000 tỷ đồng) khi đi vào hoạt động sử dụng công nghệ hiện đại từ Tây Âu, môi trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối... sẽ mang lại lợi nhuận lớn cũng như diện mạo hoàn toàn mới cho ngành thép.

Không thể phủ nhận, hơn một thập kỷ qua, sự phát triển của ngành thép với những dự án lớn đã làm thay đổi diện mạo cho nền kinh tế. Với sự phát triển khá nóng, ngành thép đã dần loại bỏ được những DN quy mô nhỏ, lẻ, công nghệ lạc hậu và dần hình thành những khu công nghiệp thép được đầu tư đồng bộ, khép kín.

Tuy nhiên, đi kèm với những lợi nhuận về kinh tế mang lại, chúng ta cũng đang phải đón nhận những hệ lụy lớn về môi trường. Theo nhận định của giới chuyên gia, hầu như các giải pháp bảo vệ môi trường như bản quy hoạch ngành thép đến năm 2020 đề ra đều đã thất bại.

Việc hạn chế, giảm thiểu mức độ ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường... không hoàn thành, ngược lại ngày càng có nhiều vi phạm, với quy mô lớn hơn và mức độ thiệt hại nặng hơn. Trường hợp gây ô nhiễm môi trường của Khu liên hợp Luyện thép của Formosa là một minh chứng rõ rệt cho thực trạng này.

Chính bởi vậy, ngay khi ông chủ Tôn Hoa Sen mở lời về việc sẽ đầu tư xây dựng một một dự án thép với số vốn kếch xù nói trên, không ít người lo ngại nếu không được kiểm soát kỹ, đại dự án trên sẽ lại mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Bất cập từ quản lý

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của ngành thép trong nhiều năm trở lại đây, có thể khẳng định, ngành này đã phát triển một cách nhanh, mạnh ngoài sức tưởng tượng. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, tính đến hết năm 2015, năng lực sản xuất thực tế của ngành thép đã cân đối với nhu cầu.

Song, điều đáng nói ở đây là, các DN chỉ vận hành được gần 60% công suất lắp đặt. Ngoại trừ sản xuất gang chưa đạt đến mục tiêu như quy hoạch đề ra (sản lượng 2015 là 1,7 triệu tấn, công suất lắp đặt là 2,7 triệu tấn), còn lại các sản phẩm thép đều dư thừa.

Đến hết năm 2015, sản lượng phôi thép là gần 5,7 triệu tấn (công suất lắp đặt 12,61 triệu tấn); sản lượng thép xây dựng 7,1 triệu tấn (công suất lắp đặt 12,78 triệu tấn); sản lượng thép cuộn cán nguội 2,9 triệu tấn (công suất lắp đặt 5,75 triệu tấn); sản lượng ống thép hàn 1, 54 triệu tấn (công suất lắp đặt 3,07 triệu tấn); sản lượng tôn mạ màu và kim loại 3,34 triệu tấn (công suất lắp đặt 4,7 triệu tấn).

Dư thừa nguồn cung, phát triển nóng như vậy, nhưng vấn đề quản lý ngành thép lại gặp khá nhiều bất cập. Và những sự cố về môi trường thời gian qua tiếp tục cho thấy, với tư duy “tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá”, chúng ta đang bỏ qua những hệ lụy của nó đối môi trường sống của chính chúng ta.

Giới chuyên gia nhận định, xu hướng chung của thế giới, bất kỳ một dự án kinh tế nào, dù lớn hay nhỏ, nhà quản lý cần phải xem xét kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), tuy nhiên, ở Việt Nam có thực trạng: một dự án đã được phê duyệt xong hầu như không có sự kiểm soát, trong khi phần lớn các dự án đều có ĐTM chất lượng thấp nếu không muốn nói là rất tệ.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Mỹ, chuyên gia ngành môi trường, thông thường, một dự án có dây truyền công nghệ vận hành liên tục như một dự án thép, sau khi được phê duyệt khâu kiểm soát sau khi vận hành phải rất thường xuyên liên tục. Ở các nước trên thế giới, với mỗi dự án dù nhỏ hay lớn của mỗi DN, nhà quản lý kiểm soát môi trường 24h/24h. Song, với Việt Nam thì khác, giá sát, giám định đứt quãng, mỗi tháng một lần, có khi 3 tháng mới giám định một lần.

“Chỉ cần một vài giây, DN có thể đổ ra sông, ra biển hàng tấn chất độc, vậy mà cơ quan chức năng vài tháng mới thanh kiểm tra một lần thì làm sao phát hiện được?” – bà Mỹ đặt câu hỏi.

Rõ ràng, câu chuyện quản lý của chúng ta vẫn đang có rất nhiều bất cập. Và khi chưa giải quyết được những bất cập đó, ai dám chắc, sau Formosa sẽ là dự án nào? Nhất là khi, Tôn Hoa Sen lại đang cấp tập triển khai một dự án thép tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngành thép: Hệ lụy từ phát triển nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO