Ngày mới ở 'rốn' thủy điện Hòa Bình

Nguyễn Lộc 11/10/2015 10:05

Nằm trong “rốn” thủy điện, hoặc thuộc vùng sâu, xa tận cùng của núi rừng Tây Bắc, các xã Hiền Lương, Đồng Nghê (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) từng trải qua nhiều năm dài bị cái đói, cái nghèo bám đuổi riết ráo. Nhưng nay, màu xanh no ấm đã và đang trải rộng, góp phần  đổi thay diện mạo những xã nghèo. 

Ngày mới ở 'rốn' thủy điện Hòa Bình

Người dân xã Hiền Lương đổi đời nhờ nuôi cá.

Đổi thay từng ngày

Theo lời giới thiệu của ông Xa Văn Chính- Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, tôi đã hình dung về một Hiền Lương đẹp như tranh vẽ, với cảnh núi non trùng điệp, thấp thoáng là những mái nhà tái định cư nằm trải dài theo lòng hồ thủy điện sông Đà. Và chúng tôi đã không thất vọng. Dẫn chúng tôi đi, ông Chủ tịch xã kể về con đường bêtông, nơi mà cách đây chưa đầy 5 năm, không ít người phải bỏ mạng oan uổng.

Đây là con đường độc đạo dẫn qua thôn Ké tới trung tâm xã, chỉ rộng chưa đầy 1,5m, nhưng hai bên đường đều là “cửa chết”, với một bên là dốc đứng, đất đá lởm chởm và chỉ một trận mưa nhỏ cũng đủ sạt lở, lấp đường; một bên kia là vực thẳm sâu với độ cao gần 1000 mét so với mực nước biển. Nhờ có Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), con đường đã đổi khác.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Thích- Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Nghê bảo: “Các anh về lần này còn có điện chiếu sáng, có nước mà dùng, chứ cách đây ít lâu thì cực lắm, người dân thiếu thốn đủ thứ, đến cơm cũng không có mà ăn”. Đó là chuyện của địa phương cách đây vài năm, khi Chương trình 135 giai đoạn I vừa kết thúc.

Lãnh đạo xã Đồng Nghê chia sẻ: những năm gần đây, đời sống của bà con đồng bào dân tộc các xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Đà Bắc nói chung và xã Đồng Nghê nói riêng đã thay đổi nhiều. Chương trình 135 ngoài xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm còn hỗ trợ sản xuất cho người dân như mua giống ngô, lợn... giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Kết thúc Chương trình 135 hai giai đoạn vừa qua, cơ bản các xã thụ hưởng trên địa bàn huyện đã không còn hộ đói, thu nhập bình quân đầu người đã được cải thiện, tuy nhiên, cá biệt các xã Đồng Nghê, Đồng Chum vẫn còn đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân cũng bởi đồng bào dân tộc ít người nơi đây (chủ yếu là đồng bào Dao) vẫn sống dựa vào rừng. Giờ đây rừng phòng hộ bị đóng cửa, lại không có đất sản xuất, thành thử cuộc sống chỉ trông chờ vào ít hoa màu trồng bên lưng núi.

Đây cũng là nỗi niềm mà lãnh đạo xã Hiền Lương còn trăn trở, canh cánh, rằng dù cuộc sống của đồng bào có thay da đổi thịt, nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo hoàn toàn được. Theo đó toàn xã Hiền Lương hiện có gần 500 hộ thì đã có tới gần 200 hộ nghèo, 120 hộ cận nghèo. Nếu theo tiêu chí mới, thì hộ nghèo chỉ còn 36,8% thôi…

Ngày mới ở 'rốn' thủy điện Hòa Bình - 1

Màu xanh no ấm ở Đà Bắc.

Nỗ lực tự thoát nghèo

Trong hành trình cuối tháng 9 vừa qua, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về câu chuyện thoát nghèo nhờ Chương trình 135 tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc với mô hình nông - lâm kết hợp với nghề nuôi cá lồng.

Đặc thù là một xã sông nước, với lợi thế có gần 1000 ha diện tích mặt nước của lòng hồ sông Đà chạy dài qua các xóm Ké, xóm Mơ và xóm Doi, xã Hiền Lương đã mạnh dạn đề xuất và đưa vào mô hình nuôi cá lồng trên sông bằng nguồn vốn Chương trình 135 được cấp trong giai đoạn I.

Theo ông Xa Văn Chính- Chủ tịch UBND xã Hiền Lương, cách làm trên rất có hiệu quả, khi chi phí bỏ ra cho một lồng cá không hề tốn kém, công chăm sóc không nhiều mà sớm thu lãi.

“Ban đầu, một số hộ nuôi cá lồng tự phát, sau thấy hiệu quả, bà con được khuyến khích nhân rộng mô hình. Đến nay, hầu như nhà ai cũng có lồng cá, nhiều nhất cũng lên tới 8-10 lồng/hộ”- ông Chính cho biết.

Theo ông Chính, toàn bộ con giống, thuốc phòng bệnh và kĩ thuật nuôi được trạm khuyến nông huyện và cán bộ địa phương hỗ trợ nên người dân khá an tâm và tập trung sản xuất.

Ghé thăm một trang trại sản xuất nông - lâm - ngư kết hợp của bà Đinh Thị Lài, dân tộc Mường ở xóm Doi, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cơ ngơi khá khang trang của bà Lài, khi cả vùng đất rộng gần 3 ha được gia đình phân bố sản xuất hợp lí. Vùng đồi, núi được bà Lài sử dụng trồng keo lai; vùng đất bằng trồng ngô, lúa và khu vực gần sông, ao được gia đình tận dụng thả cá. Ngày chúng tôi đến, gia đình bà Lài đang thu hoạch mẻ cá thả ao đầu tiên. Nhìn những thành quả lao động nhờ sự giúp đỡ của chính sách nhà nước, chính quyền các cấp và sự nỗ lực của chính bản thân, bà Lài không khỏi xúc động:

“Bán lứa cá này, chắc cũng để được ngót 40 triệu đồng, mình sẽ dùng tiền đó để sắm quần áo, sách vở cho con và đầu tư vào sản xuất. Ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm”- theo bà Lài, đó là chưa kể gần chục lồng cá cũng chuẩn bị cho thu hoạch. Theo ước tính, với gần 20 tạ cá, trừ chi phí thì gia đình cũng sẽ để ra được 100 triệu đồng.

Niềm vui nơi ở mới

Ông Xa Hữu Ban-Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho hay, trước đây, khi chưa thực hiện chính sách hỗ trợ di dân định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số, trên địa bàn huyện có nhiều hộ dân ở các xã vùng cao, sâu, xa, đặc biệt khó khăn vẫn còn lối sống du canh du cư (DCDC) nên đời sống cũng như sản xuất thường không ổn định.

Điều đáng nói, do không thuận lợi đường giao thông nên các hộ dân này gần như bị cô lập với bên ngoài. Sản phẩm sản xuất nông nghiệp khó bán ra ngoài, cuộc sống chủ yếu theo hướng tự cung, tự cấp. Việc hưởng lợi từ các chương trình phúc lợi xã hội như đường giao thông, điện, nước hợp vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ hầu như không có.

Từ khi triển khai chính sách hỗ trợ di dân ĐCĐC thì nhiều hộ dân đã được hưởng lợi. 100% các hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống DCDC đã được các ban, ngành chức năng huyện hỗ trợ về định canh, định cư tại các khu dân cư xen kẹt nên đời sống đã dần ổn định.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đà Bắc, 61 hộ dân với 248 nhân khẩu thuộc phạm vi được hỗ trợ đã được tuyên truyền, vận động di chuyển về ĐCĐC. Điều đáng nói là khi di chuyển về nơi ở mới, các hộ ngoài việc được bố trí đất ở và đất sản xuất còn được hưởng nhiều chế độ chính sách ưu đãi về hỗ trợ tiền di chuyển, làm nhà ở, san lấp mặt bằng, lắp hệ thống điện, nước sinh hoạt, hỗ trợ cho mỗi khẩu sáu tháng lương thực và hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, tập huấn kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi...

Điển hình như gia đình ông Đinh Văn Băng, dân tộc Mường, trước đây sinh sống ở khu vực suối Láo, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc mặc dù chỉ cách trung tâm xã có hai km nhưng đi lại khó khăn do phải vượt đèo, suối. Đặc biệt, do gia đình sống trong rừng nên khi có mưa lũ rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.

Ông tâm sự: “Sau khi được các ban, ngành chức năng của huyện vận động về khu dân cư xen kẹt thôn Sơn Phú, xã Cao Sơn, gia đình đã được cấp 1.200 m2 đất ở và đất sản xuất. Lúc đầu còn khó khăn lắm do quen với cảnh phát nương làm rẫy. Nhưng với sự giúp đỡ của các ban, ngành chức năng và bà con chòm xóm nên gia đình đã xây được căn nhà mới khang trang, đời sống đã dần ổn định. Hiện nay với vài trăm m2 đất sản xuất, gia đình trồng sắn, dong riềng, ngô và chăn nuôi mỗi năm cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Không còn phải sống cảnh rừng núi, tự cung, tự cấp, gần như cô lập với bên ngoài như trước đây”.

Không chỉ giải quyết vấn đề DCDC cho đồng bào dân tộc thiểu số mà từ khi được chuyển đến nơi ở mới nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, con em được theo học tại môi trường tốt hơn.

Đã hết cảnh sống vắt vẻo trên núi đồi hay trong rừng sâu thiếu thốn trăm bề cả vật chất lẫn tinh thần. Bao nhiêu mùa con rẫy, bao nhiêu mùa trăng đó cũng là bấy nhiêu những khó khăn mà đồng bào dân tộc thiểu số sống DCDC đã trải qua. Giờ đây, nhà mới, đường mới, công trình công công, đất sản xuất, đám trẻ có nơi nô đùa đã trở thành sự thực, không còn là niềm mong mỏi của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày mới ở 'rốn' thủy điện Hòa Bình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO