Nhân rộng mô hình khoán xe công

T.Hằng 09/03/2017 07:50

Chiều ngày 8/3, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về quản lý, sử dụng xe ô tô công. Số liệu tổng hợp từ Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 31/12/2016 cả nước có 34.214 chiếc xe ô tô công.

Trong đó, xe phục vụ các chức danh là 864 chiếc, công tác chung 17.047 chiếc, xe chuyên dùng hơn 16.300 chiếc. Chi phí cho 1 xe công trung bình 1 năm là 320 triệu đồng, bao gồm khấu hao xe, chi phí cho lái xe, chi phí xăng xe và bảo hiểm sửa chữa.

Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục quản lý công sản phát biểu tại cuộc họp báo.

Mỗi xe công thanh lý được 46,2 triệu đồng

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, số xe công đã thực hiện thanh lý là 1.105 xe. Trong đó, đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe với tổng 35,15 tỷ đồng. Như vậy tính bình quân giá mỗi xe thanh lý là là 46,2 triệu đồng.

Ngoài ra, còn 2.000 chiếc xe công được xác định dư thừa và phải thanh lý, nhưng các bộ ngành địa phương chưa báo cáo hết việc này về Bộ Tài chính.

Trước đó vào tháng 10/2016 Bộ Tài chính đã áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (Tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ Tài chính. Đơn giá áp theo giá taxi, cao nhất là 15.000 đồng một km.

Ông Trần Đức Thắng cho biết, chính sách quản lý xe công hiện hành đã cho thấy những tác động tích cực như xác định được số xe ô tô được phép sử dụng của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, số xe tô tô thừa, thiếu so với tiêu chuẩn, định mức để chấn chỉnh các vi phạm trong quản lý và sử dụng xe công.

Đồng thời, giảm được số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung và xử lý số lượng xe dôi, dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán hay thanh lý để thu tiền nộp ngân sách Nhà nước. Một số bộ, ngành và địa phương đã áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công, góp phần tiết kiệm chi ngân sách và được dư luận, nhân dân đồng tình.

Song cũng theo ông Thắng còn nhiều tồn tại, đó là số lượng xe phục vụ công tác chung giảm nhưng số xe chuyên dùng lại có xu hướng tăng.

Quy định về định mức sử dụng xe công tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa phù hợp nên chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên ít chức danh đăng ký áp dụng và việc triển khai thực hiện chỉ mang tính thăm dò, thí điểm, chưa tạo được động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công…

Giải thích rõ hơn về việc xe chuyên dùng tăng cao, ông Thắng nói: Sau khi sắp xếp lại xe ô tô phục vụ công tác chung, một số Bộ, ngành, địa phương chuyể xe phục vụ công tác chung sang xe chuyên dụng.

Việc thực hiện điều chuyển xe công dôi dư là do các nơi toàn quyền điều chuyển, vì vậy xảy ra tình trạng điều chuyển từ xe công tác sang xe chuyên dùng, dù đa phần là đúng quy định, nhưng cũng cần phải xem xét, đánh giá.

Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Đức Thắng công bố dự thảo Quyết định bổ sung, thay thế một số quy định tại Quyết định 32 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng xe ô tô công.

Theo đó cơ quan này tiếp tục đưa ra 3 hướng xử lý xe ô tô dôi dư: Thứ nhất, bán chỉ định cho một số chức danh trong trường hợp chức danh đang sử dụng xe có đề xuất mua lại; Thứ hai điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; Thứ ba, bán đấu giá và nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe theo quy định, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn xác định số lượng xe được trang bị, số lượng xe dôi dư gửi báo cáo về Bộ Tài chính chậm nhất sau 6 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Về phương án bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe, theo dự thảo, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch tập đoàn kinh tế Nhà nước… có trách nhiệm bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.

Khoán xe xuống cấp Thứ trưởng

Cũng theo dự thảo mới của Bộ Tài chính, việc khoán xe công trong thời gian tới tiếp tục được nhân rộng. Những lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên tới cấp thứ trưởng và tương đương, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước, sẽ thực hiện khoán bắt buộc kinh phí sử dụng xe công đưa đón từ nhà tới cơ quan và ngược lại. Nếu đi công tác sẽ sử dụng xe công phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán tự nguyện.

Với lãnh đạo có hệ số phụ cấp từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, sẽ được tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe đi công tác hoặc dùng xe công phục vụ chung (nếu có).

Về mức khoán, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án, phương án đầu là tính thẳng chi phí khoán vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng (điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng hoặc giảm trên 20%).

Phương án còn lại có thể xác định mức khoán là 16.000 đồng/km, hoặc theo đơn giá phương tiện công cộng, do lãnh đạo bộ ngành, địa phương quyết định.

Sau khi thực hiện khoán bắt buộc xe đưa đón từ nhà tới nơi làm việc với lãnh đạo, trường hợp cần thiết phải bố trí xe đưa đón tại nhà, để chặt chẽ thì phải trình các cấp lãnh đạo cao hơn xem xét, phê duyệt.

Bộ Tài chính cho biết, nếu dự thảo được thông qua, dự kiến đến năm 2020 sẽ giảm được 30-50%, số lượng xe công chỉ còn khoảng 10.000 chiếc.

Đối với xe phục vụ chức danh dự kiến giảm chỉ còn khoảng 200 xe, thay vì hơn 900 chiếc như hiện nay.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, phấn đấu mỗi đơn vị sẽ giảm một nửa số lượng xe công. Ví dụ đơn vị đang được sử dụng 2 ôtô thì tới đây chỉ còn 1 chiếc”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhân rộng mô hình khoán xe công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO