Những cảnh báo từ đối thủ

Thúy Hằng 03/10/2015 08:45

Nhờ những dự án lớn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm bất ngờ tăng mạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng không thể chủ quan bởi một số quốc gia khác như Lào, Philipines, Myanmar...  cũng đang nổi lên như những đối thủ cạnh tranh mới của Việt Nam. 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Bùi Quang Vinh trong cuộc họp tại Diễn đàn Đầu tư toàn cầu 2015 diễn ra mới đây đã cho rằng, “đối thủ” của Việt Nam đang có nhiều thay đổi. Nếu tiếp tục duy trì môi trường đầu tư mà thủ tục rườm rà, minh bạch chưa cao Việt Nam sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh. Có thể hôm nay, họ không phải đối thủ nhưng ngày mai sẽ là đối thủ, điều bức xúc nhất là Việt Nam phải tự vươn lên.

Dù cơ quan quản lý rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn là điểm sáng nhưng các nước chưa từng được coi là đối thủ cạnh tranh về thu hút đầu tư với Việt Nam nay đã xuất hiện trong danh mục quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong tháng 9, ước tính cả nước thu hút được khoảng 3,82 tỉ USD vốn cam kết mới và tăng thêm của khu vực doanh nghiệp FDI, cao hơn con số trung bình khoảng 1-2 tỉ đô la Mỹ/tháng của những tháng đầu năm.

Nhờ vậy, vốn FDI chung trong 9 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9, cả nước có 1.432 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 11 tỉ đô la Mỹ, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dẫu biết kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài đang theo chiều hướng tích cực, nhưng nếu thử loại trừ những dự án tỷ đô được cấp phép mới trong 2 tháng 8, và 9; cụ thể là dự án sản xuất màn hình của Công ty Samsung Display có tổng vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỉ USD đầu tư tại khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, thì công cuộc hút vốn ngoại vấn còn nhiều điều đáng bàn.

TS Lưu Bích Hồ chia sẻ, hội nhập sâu mang lại cơ hội cho việt Nam, nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhưng chỉ riêng việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 thách thức không nhỏ cho Việt Nam, khi những nước “đi sau” lại đang nổi lên.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù có 69% nhà đầu tư đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác nhưng họ đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định. Một số điều tra mới đây cũng chỉ ra rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn vì chi phí không chính thức, gánh nặng thủ tục hành chính, quy định pháp luật và cơ sở hạ tầng so với đối thủ cạnh tranh. Nhà đầu tư nước ngoài xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng là Campuchia và Lào.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thủ tục hành chính có vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó là các thủ tục cấp phép liên quan đến địa phương - xây dựng- môi trường. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn đó những tồn tại. Chính vì thế, cảnh báo về thu hút vốn từ bên ngoài vẫn là điều cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những cảnh báo từ đối thủ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO