Nỗ lực phát triển kinh tế số

Minh Phương 31/07/2017 08:00

Hơn lúc nào hết Việt Nam cần phải quan tâm đến lĩnh vực kinh tế số, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế tư nhân, vì khu vực này chính là động lực của nền kinh tế - đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia kinh tế khi nhận định về vấn đề phát triển kinh tế số trong bối cảnh hiện nay.

60 triệu người sửu dụng smartphone, là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế số.

Phí vẫn “đè” doanh nghiệp

Một thống kê của Tạp chí Forbes thực hiện trong năm 2016 cho hay, lĩnh vực kinh tế số toàn cầu có giá trị khoảng 3 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 3,8% giá trị nền kinh tế toàn cầu. Còn tại các quốc gia ASEAN (số liệu tính toán trong năm 2016), kinh tế số đạt giá trị khoảng 150 tỷ USD, tương đương 6% GDP của các quốc gia ASEAN. Và theo dự báo, đến năm 2020, kinh tế số của khu vực này đạt tốc độ tăng trưởng 17%/năm trong khi tốc độ tăng trưởng chung của kinh tế khu vực chỉ được dự báo ở mức 9%/năm.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở Top khá trong khu vực ASEAN. Cụ thể, năm 2016, lĩnh vực thương mại điện tử (E-Commerce) của Việt Nam đạt doanh thu 900 triệu USD, tăng 50% so với năm 2015 và dự báo đến năm 2020, con số này có thể chạm ngưỡng 5 tỷ USD.

Tại Việt Nam đã xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế… Đặc biệt, số lượng người Việt Nam sử dụng Internet thông qua công cụ smartphone lên đến trên 60 triệu người, con số này minh chứng rằng, người Việt thuộc nhóm ưa thích công nghệ, tiếp cận nhanh với các thành tựu công nghệ mới. Đây được coi là yếu tố rất quan trọng và là tiền đề để phát triển kinh tế số.

Nhận định về xu hướng kinh tế số đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam cho rằng, với 1,7% dân số Việt Nam làm việc trong lĩnh vực kinh tế số, đây là lĩnh vực đang tạo ra 5% thu nhập quốc dân.

“Mức thu nhập bình quân, mức giá trị gia tăng trên mỗi lao động kinh tế số lớn gấp 3 lần trung bình của cả nước. Do vậy, phát triển kinh tế số là một động lực để tạo ra giá trị gia tăng và những sức mạnh đột phá về năng lực phát triển bền vững”, ông Giám khẳng định.

Tuy nhiên theo ông Bùi Quang Ngọc- Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, Phó trưởng nhóm công tác kinh tế số , thời gian qua mặc dù các Nghị quyết của Đảng nói rất mạnh về kinh tế tư nhân, nhưng trong thực tế đối với ngành kinh tế số đang bộc lộ sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế.

“Đặc biệt, khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền, một số dự án đã hạn chế sự tham gia của DN tư nhân. Trong khi đó, hiện vẫn đang có sự trợ giá không lành mạnh đối với doanh nghiệp (DN) nhà nước”- ông Ngọc chỉ rõ và cho rằng, đã đến lúc Bộ Công Thương cần nghiên cứu về việc phân tách các ngành nghề kinh tế, không được phép trợ giá chéo và phải bỏ phí viễn thông công ích.

Thực tế hiện nay, DN viễn thông đang phải đóng phí thương quyền vào ngân sách 0,5% trên tổng doanh thu. Nhưng ngoài ra vẫn phải đóng phí viễn thông công ích là 1,5% doanh thu vào quỹ do Bộ TTTT quản lý và sử dụng.

Theo ông Ngọc, quỹ này không nằm trong ngân sách nhà nước, “như vậy là khiến cho DN viễn thông phải chịu “một cổ hai tròng”, tổng phí 2% doanh thu là mức quá lớn”- ông Ngọc thẳng thắn.

Đối với lĩnh vực công ích, theo vị này, các DN sau khi đóng đầy đủ các loại thuế và phí theo quy định, thì phí công ích phải là tự nguyện. Trong khi Internet là hạ tầng kết nối của nền kinh tế số, là cuộc sống kinh tế xã hội, văn hóa ngày nay, đáng lẽ DN phải được hỗ trợ, được khuyến khích thì lại bị “đè” ra để nộp thuế 2% nên vị này đề xuất, Bộ Tài chính cần lưu ý vấn đề này.

Đối diện nhiều thách thức

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ (CMC), Trưởng nhóm công tác kinh tế số, thách thức lớn nhất hiện nay là chưa có cơ chế chính sách cụ thể cho các DN mới theo các mô hình kinh doanh mới, chưa thuận lợi cho các DN kinh tế số tham gia. Do đó, để đẩy mạnh các yếu tố số trong hoạt động xã hội, kinh tế, Nhà nước cần có chính sách hạn chế sử dụng tiền mặt, hỗ trợ thương mại điện tử phát triển, từng bước chấp nhận hợp đồng điện tử, yêu cầu đẩy mạnh sử dụng chữ ký số, tạo hạ tầng thanh toán mạnh cho các giao dịch điện tử.

Các DN và các tổ chức đẩy mạnh tin học hóa, số hóa các hoạt động và phải có các văn bản quy phạm chuẩn về lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có lộ trình cụ thể với các mốc theo các giai đoạn, các mức độ, cấp bậc của dịch vụ công trực tuyến và dành ngân sách thỏa đáng cho các chương trình này.

“Về nguồn lực cho phát triển kinh tế số, cần tăng chỉ tiêu đào tạo sinh viên ICT và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN số có cơ hội phát triển tại Việt Nam. Nhà nước cần có chính sách thuế ưu đãi với ngành phần mềm, với các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm mà DN phần mềm triển khai hoạt động tại đó. Quan trọng nhất là phải tạo ra sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận các dự án ICT trong lĩnh vực sử dụng vốn nhà nước” ông Chính kiến nghị.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể thấy hiện nay, việc nhận thức về lĩnh vực kinh tế số còn chưa được đầy đủ, đặc biệt là ở nhóm những người làm chính sách và những người tạo thuận lợi về mặt môi trường kinh doanh ổn định bền vững. Do đó, nhận thức của các DN không chỉ liên quan đến phần mềm mới là kinh tế số, mà còn là việc ứng dụng các phát minh sáng tạo của các ngành nghề khác vào trong hoạt động kinh doanh, đời sống xã hội.

“Tuy nhiên thực tế hiện nay, chưa có những chính sách quan tâm thích đáng cho lĩnh vực này trong khi kinh tế số sẽ hỗ trợ tích cực trong việc chống tham nhũng, chống thất thoát mang tính đột phá”- một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Với chủ đề “Từ Nghị quyết Trung ương 5 đến Chương trình hành động của Khu vực tư nhân Việt Nam”, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) sẽ diễn ra vào hôm nay, 31/7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Diễn đàn sẽ tập trung bàn thảo, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng DN liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng và một trong những trọng tâm chính là kinh tế số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nỗ lực phát triển kinh tế số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO