Phải cho phá sản những doanh nghiệp làm giả phân bón

Minh Phương (thực hiện) 21/08/2017 08:10

Nạn phân bón giả, kém chất lượng vẫn tồn tại như một thách thức, gây méo mó thị trường, tổn thất lớn cho nền kinh tế. Song, theo ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Quỹ chống hàng giả Việt Nam, những chế tài xử phạt vi phạm như hiện nay chưa đủ sức răn đe và có lẽ đó là lý do vì sao nhà quản lý chưa thể xử lý hiệu quả vấn nạn này.

Ông Phạm Ngọc Hùng.

PV:Dư luận chưa bao giờ hết lo ngại về nạn phân bón giả và những hệ lụy của nó, cụ thể những ảnh hưởng và hệ lụy ấy đối với nền kinh tế ra sao, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Hùng: Vấn nạn phân bón giả, phân bón nhái, kém chất lượng đã và đang gây ra nhiều tổn thất cho nền kinh tế nước nhà, làm phương hại đến đời sống của người nông dân Việt Nam, đánh mất uy tín của các DN làm ăn chân chính. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, phân bón giả, chất lượng kém gây tổn thất cho nền kinh tế khoảng 2,5 tỷ USD/năm.

Nguy hiểm hơn là nó ảnh hưởng đến 60 triệu người dân Việt Nam đang sống bằng nghề nông nghiệp, có nghĩa là 2/3 dân số đang chịu tác động trực tiếp từ vấn nạn này. Phân bón giả làm mùa màng thất bát, giảm chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thu nhập bà con nông dân bấp bênh.

Nước ta là nước nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp luôn hướng đến hai mục tiêu: Tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Song, nạn phân bỏn giả đang khiến cho chất lượng nông sản kém đi, điều này khiến cho không chỉ tiêu dùng trong nước bị thiệt hại mà quan ngại hơn, xuất khẩu nông sản của ta có thể bị hạ uy tín trên thị trường thế giới vì chất lượng thấp. Đó là những hệ lụy cho thấy, ảnh hưởng của vấn nạn phân bón giả đến đời sống xã hội, đến cả nền kinh tế là vô cùng khủng khiếp.

Nạn phân bón giả kéo dài nhiều năm nay và những hệ lụy của nó gây ra với nền kinh tế là rất lớn. Vậy tại sao vẫn tồn tại năm này qua năm khác, thưa ông?

- Theo quan điểm của cá nhân tôi, có khá nhiều bất cập đáng lưu ý. Thứ nhất là chính sách quản lý của chúng ta thiếu chặt chẽ. Đơn cử, trong quy định tại Nghị định 202, Bộ Công thương được giao quản lý phân bón vô cơ, còn Bộ NN&PTNT lại quản lý phân bón hữu cơ. Thế nhưng, trong sản xuất có bao giờ tách bạch được hai loại phân bón này.

Làm gì có nhà máy nào chỉ sản xuất phân vô cơ, hoặc chỉ sản xuất phân hữu cơ, mà các nhà máy sẽ phải sản xuất cả hai loại… Chưa kể, có những loại phân bón pha trộn cả vô cơ và hữu cơ. Chính vì lẽ đó, khi có vấn đề xảy ra, người ta không thể quy nổi trách nhiệm cho Bộ Công thương, hay Bộ NN&PTNT.

Hiện nay, điểm này của Nghị định 202 cũng đang được sửa chữa theo hướng giao hoàn toàn việc quản lý phân bón cả vô cơ và hữu cơ cho Bộ NN&PTNT. Nhưng khi chuyển từ Bộ Công thương quản lý sang Bộ NN&PTNT thì lập tức Bộ NN&PTNT phải làm lại hàng loạt các quy chuẩn, quy trình giám sát. Và để hoàn thiện các quy trình đó sẽ mất một khoảng thời gian khá dài.

Thứ hai là vấn đề xử phạt, hiện có hai hình thức là xử phạt hành chính và xử phạt hình sự, nhưng giữa hai hình thức này cũng rất mập mờ.

Điển hình như kỳ án Thuận Phong, chính vì sự mập mờ này mà các cơ quan chức năng ở Đồng Nai đã không làm tới nơi tới chốn. Đáng ra đã là sản xuất hàng giả thì Thuận Phong bị quy vào tội danh sản xuất hàng giả, và kể cả Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 389 cũng yêu cầu xử lý rất nhiều lần nhưng thật oái oăm, Thuận Phong lại đã được tỉnh Đồng Nai đưa ra hình thức xử lý vi phạm hành chính.

Tôi cho như vậy là rất bất ổn, bởi với hành vi sản xuất phân bón giả như Thuận Phong mà chỉ xử lý vi phạm hành chính vỏn vẹn 500 triệu đồng là không thấm vào đâu so với khoản lãi của họ.

Vậy theo ông, cần làm gì để vấn nạn này được xử lý triệt để, lấy lại sự ổn định cho thị trường phân bón?

- Chúng ta phải xem lại chế tài xử lý, làm sao để các đối tượng vi phạm phải “cạch đến già”, không dám vi phạm. Ở nước ngoài, nếu DN vi phạm sản xuất hàng giả, mức phạt mà họ phải chịu lớn hơn rất nhiều lần doanh số mà họ thu được. Không dừng lại ở đó, DN vi phạm ngay lập tức bị thu hồi giấy phép kinh doanh. Điều đó cũng có nghĩa, DN sản xuất hàng giả mà bị phát hiện coi như phá sản.

Nhưng ở Việt Nam, tôi chưa thấy DN nào bị phá sản khi sản xuất hàng giả, hàng nhái. Vấn đề cốt lõi nhất là người làm chính sách phải rất có tâm.

Tôi rất tâm đắc với một câu của PGS.TS Phạm Bích San, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam khi ông nói rằng: “Công chức mà không có đạo đức thì mọi chính sách đều phá sản”.

Ở đâu cũng thế, lĩnh vực nào cũng vậy, yếu tố con người rất quan trọng. Nếu luật có kẽ hở mà cán bộ nghiêm thì vẫn được thực thi. Còn chúng ta, nếu vẫn sử dụng những cán bộ thiếu đạo đức, lương tâm thì đừng bao giờ mong có thể làm sạch được thị trường.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phải cho phá sản những doanh nghiệp làm giả phân bón

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO