Phát huy cây mũi nhọn vùng cực Bắc

Hà Giang 25/07/2016 10:10

Một thời gian, nói đến Hà Giang, ngoài chè thì cây luôn được nhắc đến đó là cam. Cây cam đã làm đất này sáng giá và đem đến sự sung túc cho nhiều gia đình. Được nhân trồng từ những năm cuối của thập niên 1960, tuy nhiên chưa đầy 30 năm sau, cam Hà Giang gặp họa khi xuất hiện  một loại nấm kí sinh gây bệnh và tàn phá. Chỉ trong thoáng chốc, các vườn cam, trang trại của các hộ gia đình trên đây đã nhanh chóng khô cành, chết rễ đem lại sự suy sụp về một nguồn thu lớn cho dân và cho tỉnh.

Phát huy cây mũi nhọn vùng cực Bắc

Cam – cây kinh tế mũi nhọn hồi sinh và đem lại niềm vui cho người dân Hà Giang.

Với chương trình cải tạo vườn, lai tạo giống, phục hồi lại giống cam bản địa để lấy lại nguồn thu, hướng làm giầu cho dân đã được Hà Giang triển khai. Các vựa cam một thời như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình đồng loạt vào cuộc với những mô hình hỗ trợ được triển khai. Làm đâu chắc đó, từ nhỏ lẻ đến đại trà, từ vườn nhỏ tới vườn lớn, người dân Hà Giang cũng như các cấp chính quyền rầm rộ vào cuộc. Và chỉ trong một thời gian ngắn, cam – cây kinh tế mũi nhọn Hà Giang đã chính thức hồi sinh cùng sản lượng, chất lượng của mình.

Trong những năm đầu triển khai chương trình phục hồi cây cam sành, tỉnh Hà Giang tập trung xây dựng một số mô hình điểm để người dân học tập. Đồng thời kéo dài lộ trình phục hồi vườn cam, nhằm giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất và có thêm thời gian để tiếp cận các nguồn vốn vay được nhà nước hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng. Năm 2015, diện tích cam ở Hà Giang đã nâng lên 5.700ha, trong đó có 1.730ha cho thu hoạch, hơn 130ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, tăng lên gần 10 tấn/ha.

Hiện nay, xã Việt Hồng (huyện Bắc Quang) có hơn 200ha cam, trong đó có 14ha cam được trồng theo quy trình VietGap (8ha đã cho thu hoạch). Sản xuất cam theo quy trình kỹ thuật mới cho năng suất, sản lượng, giá trị hơn hẳn so với vùng cam thâm canh truyền thống, tuy nhiên không phải hộ nào cũng mạnh dạn đăng ký sản xuất cam VietGap, do vốn đầu tư lớn, quy trình chăm sóc khắt khe.

Để giúp cây cam lấy lại vị thế, Hà Giang đã ban hành nhiều chính sách như: Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho người dân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap với mức vay tối đa 50 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% giá trị cây giống, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 12 tháng cho các hộ trồng mới vay vốn thâm canh, mức vay từ 36 - 40 triệu đồng/ha.

Anh Lý Văn Long ở xã Việt Hồng đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc vườn cam của gia đình. Do chăm sóc tốt, sản lượng quả đạt hơn 30 tấn, chất lượng quả đều, giá thu mua tại vườn được khoảng gần 20.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Long thu lãi trên 200 triệu đồng.

Nhằm giúp sản phẩm cam giữ vị trí “độc tôn” trên thị trường, Hà Giang đã có những chính sách hỗ trợ các huyện thực hiện hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm như: xây dựng website, poster quảng bá hình ảnh sản phẩm của dự án (được chứng nhận VietGap); xây dựng biển chỉ dẫn vào vườn cam VietGap trên các trục đường, ghi rõ thông tin về diện tích, sản lượng, địa chỉ liên hệ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát huy cây mũi nhọn vùng cực Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO