Phát triển rừng bền vững và vai trò của người dân

Lê Bảo 11/11/2017 09:30

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) về việc thực hiện giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, vườn cây và mặt nước nuôi trồng thủy sản theo Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005, tổng diện tích giao khoán là 805.128,0 ha (chiếm 21,8% tổng diện tích các công ty nông lâm nghiệp được giao quản lý), chủ yếu là giao khoán rừng và đất lâm nghiệp (730.324,2 ha, chiếm tỷ lệ 90,7%).

Người nghèo rất cần vốn để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đánh giá của Bộ NNPTNT cũng cho biết, sau khi chuyển đổi, tổng diện tích của công ty nông lâm nghiệp giảm 1.868 nghìn ha nhưng chỉ có 415.000 ha đất rừng được chuyển giao cho chính quyền địa phương và chủ yếu trên giấy tờ.

Công ty nông lâm nghiệp và chính quyền địa phương chủ yếu áp dụng các tiêu chí đánh giá lên đất hoang hóa, đất của lâm trường giải thể hoặc các khu đất mà các công ty nông lâm nghiệp không có đủ nguồn lực để quản lý và bảo vệ.

Nguyên nhân, theo TS Nguyễn Anh Phong- Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, công tác quy hoạch sử dụng rừng và đất lâm nghiệp trong các công ty nông lâm nghiệp còn nhiều hạn chế, chậm rà soát điều chỉnh và tính ổn định trong quy hoạch chưa cao, quy hoạch thường xuyên bị phá vỡ.

Số liệu của cơ quan chức năng cho biết, đến thời điểm này tại Tây Nguyên, trong tổng số diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao, có đến 282.896 ha đang bị người dân tranh chấp, chiếm 8,43% tổng diện tích đất lâm nghiệp.

Trong đó, tranh chấp diện tích đất đã giao quyền sử dụng là khoảng 200.000ha, tranh chấp đất chưa giao quyền sử dụng là trên 85.000 ha.

Diện tích tranh chấp tập trung chủ yếu trong diện tích rừng, đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý là 165.000 ha, các ban quản lý rừng phòng hộ trên 56.000 ha, các doanh nghiệp nhà nước là gần 52.000 ha và diện tích tranh chấp còn lại thuộc các chủ rừng khác.

Từ những tồn tại, hạn chế của việc giao đất giao rừng, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng, cần phải xây dựng khung chính sách để thực hiện hiệu quả việc tái phân bổ đất lâm trường.

Trong đó phải rà soát, quy chuẩn lại khung pháp lý cho việc thực hiện chính sách và đánh giá hoạt động giao đất lâm nghiệp, đặc biệt là đất của lâm trường, từ kinh nghiệm quốc tế để đưa ra một hệ thống giám sát cải tiến, sáng tạo.

Một khuôn khổ chính sách mới với hệ thống giám sát và đánh giá thường xuyên có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan sẽ giúp Quốc hội và các cơ quan Chính phủ quản lý đất lâm nghiệp chủ động hơn và hiệu quả hơn; giúp người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số có quyền tiếp cận tài nguyên đất một cách minh bạch và công bằng, từ đó cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo và quản lý bền vững đất rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Phát triển rừng bền vững và vai trò của người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO