Quảng Nam chống chọi với sạt lở

Thanh Tùng - Tấn Thành 08/09/2015 09:15

Quảng Nam sẽ gấp gáp chọn giải pháp tối ưu chống sạt lở cửa sông, bờ biển trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học. Đây là ý kiến của ông Lê Trí Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại Hội thảo quốc tế Việt Nam - Nhật Bản về Cửa sông, bờ biển và kỹ thuật sông (VJWECR 2015) ngày 7/9 tại TP Hội An.

Hội thảo thu hút hơn 200 nhà khoa học, chuyên gia thuỷ lợi nổi tiếng của Việt Nam và thế giới.

Với việc 7 km bờ biển Cửa Đại (Hội An), từ năm 2009 đến nay, mỗi năm biển đã lấn sâu vào đất liền ở khu vực này từ 30 đến 50m- nhiều chuyên gia đã có ý kiến. GS.TS Hitoshi Tanaka- Chủ tịch Hội quốc tế về nghiên cứu và kỹ thuật thuỷ văn môi trường Vùng châu Á Thái- Bình Dương (IAHR-APD) cũng như PGS.TS Nguyễn Trung Việt- Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ - Kinh tế - Thuỷ lợi miền Trung cùng cho rằng, nguyên nhân tiềm tàng gây xói lở ở Cửa Đại là sự suy giảm bùn cát từ thượng lưu.

Tình trạng xói lở nghiêm trọng tại bờ biển Cửa Đại trở nên nghiêm trọng hơn khoảng 5-6 năm gần đây, sự dịch chuyển khu vực xói lở tiến dần về phía bắc, bắt đầu từ cửa sông, nếu không có nghiên cứu tổng thể và giải pháp bảo vệ, thì việc xói lở sẽ tiếp tục xảy ra ở khu vực bãi biển An Bàng, Hà My.

Bên cạnh đó, các biên cứng (đập phá sóng nhô ra ở các khu nghỉ dưỡng ven biển, mái kè biển dọc đường Âu Cơ) cũng là tác nhân gây xói lở ngày càng mạnh hơn ở khu vực phía Bắc. Nếu khắc phục được hiện tượng này, quá trình hồi phục bãi biển có thể xảy ra để ổn định bờ biển Cửa Đại. Đô thị cổ Hội An là di sản thế giới nhưng nhiều năm qua đã phải chịu hậu quả nặng nề của hiện tượng xói lở và bồi lấp.

Hiện tượng này xảy ra ngày càng nghiêm trọng, diễn biến phức tạp không chỉ đe doạ an toàn đối với các công trình kiến trúc và con người mà còn gây ra sự thay đổi nghiêm trọng địa hình, địa mạo của khu vực. Xói lở, bồi lấp cũng đồng tác động trực tiếp với hoạt động du lịch vốn được coi là lĩnh vực kinh tế chủ lực của Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.

Sóng biển tàn phá ven bờ Cửa Đại.

GS.TS Trần Đình Hoà- Phó Giám đốc Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam và nhóm nghiên cứu đã có những nghiên cứu tổng quan tình hình xói lở và bồi lấp các cửa sông ven biển miền Trung. Theo các tác giả, diễn biến, biến động cửa sông ven biển là rất phức tạp và ảnh hưởng rất lớn tới đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bên cạnh nguyên nhân xuất phát từ thiên tai, các tác giả cũng đã chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như nạn khai thác cát quá mức, tình trạng chặt phá rừng đầu nguồn...

Báo cáo tại hội thảo cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế trong việc xử lý các vấn đề bồi lắng và xói lở, các giải pháp mang tính cục bộ cho từng cửa sông mà thiếu tính đồng bộ cho cả hệ thống, số liệu đo đạc khảo sát còn thiếu nhiều dẫn đến việc phân tích, đánh giá các nguyên nhân chưa thật đầy đủ và chính xác...

Với TS Hirotoda Matsuki- Cố vấn trưởng dự án xây dựng xã hội thích ứng thiên tai tại Việt Nam giai đoạn 2 (được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) thì xói lở bờ sông là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất ở khu vực nông thôn Việt Nam.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, hiện nay nhiều vùng của cả nước- đặc biệt là cửa sông, ven bờ biển Quảng Nam chưa có quy hoạch tổng thể về khai thác, phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho hệ thống cửa sông. Nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính cục bộ cũng như việc thử nghiệm chưa dựa trên kết quả của việc nghiên cứu đồng bộ có xét đến ảnh hưởng tổng thể của tất cả các quá trình tương tác động lực bùn cát sông biển. Do vậy, nhiều lúc việc phòng chống xói lở, bồi tụ ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác hoặc bố trí kết cấu công trình cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quảng Nam chống chọi với sạt lở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO