Quyền lợi cao nhất phải thuộc về người tiêu dùng

Minh Phương (thực hiện) 15/03/2016 10:05

Làn sóng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (DN) đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Nhiều người lo ngại về số phận của các nhà bán lẻ Việt Nam khi một loạt các thương vụ M&A tiếp tục diễn ra trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, DN Việt không nên quá bi quan trước làn sóng này.

PV: Bà đánh giá thế nào về làn sóng M&A (mua bán, sáp nhập DN) đang diễn ra ngày một mạnh mẽ trong thời gian gần đây, số phận của các nhà bán lẻ Việt Nam có quá mong manh không, thưa bà?

Quyền lợi cao nhất phải thuộc về người tiêu dùng

TS. Đinh Thị Mỹ Loan: Xu hướng M&A không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà nó là xu hướng chung ở trên thế giới, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn hay muốn mở rộng thị trường của cộng đồng DN. Ngành bán lẻ của Việt Nam hiện nay cũng không nằm ngoài xu hướng ấy. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là chúng ta không nên nghĩ xu hướng M&A là các DN ngoại sẽ lấn sân hay thâu tóm, tìm cách chèn ép các DN nội mà chúng ta cần phải nhìn theo “con mắt hội nhập” hơn. Đó là trong tình hình làn sóng M&A ngày càng mạnh lên, đòi hỏi chất lượng, hoạt động dịch vụ của DN Việt phải được nâng cao. Nếu như các DN Việt Nam chỉ tự trông vào sức mình là rất khó, vì ngay cả nguồn lực về mặt tài chính đã rất yếu chưa kể những yếu tố khác như công nghệ, kinh nghiệm… Tất cả đều đang rất thiếu, rất yếu ở các DN nội. Thông qua hoạt động M&A, các DN có thể lớn mạnh lên để đáp ứng các điều kiện của thời kỳ hội nhập. Do đó, quan điểm của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam là không bi quan, không hoảng sợ trước làn sóng M&A. Vấn đề quan trọng là trong làn sóng ấy, các DN của chúng ta thực chất sẽ nhận được những gì, về kinh nghiệm, về công nghệ, về phương thức quản trị… .

Thưa bà, trong dư luận xã hội nhiều ý kiến còn cho rằng, M&A không chỉ là việc thay tên đổi chủ mà họ sẽ mang theo cả một chuỗi nhà hàng sản xuất và phân phối của nước họ sang thị trường Việt Nam, từ đó dẫn đến nguy cơ thu hẹp thị phần của các DN nội, bà đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Ở đây có một chút nhầm lẫn. Sự thu hẹp này là thu hẹp về thị phần của sản phẩm chứ không phải là thị phần của các DN bán lẻ. Tất nhiên quá trình M&A diễn ra, có thể các DN ngoại sẽ mua một số phần trăm hoặc mua hoàn toàn một DN của chúng ta. Theo kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy, thông thường khi các DN ngoại mới mua cổ phần của các DN nội, họ cũng sẽ cải tổ. Nhưng theo quan sát của Hiệp hội chúng tôi, các nhà đầu tư có M&A đối với các DN Việt Nam, chẳng hạn như BJC mua hệ thống Metro, Aeon mua City Mart, Fivirmar… song các nhà đầu tư nước ngoài đều có cam kết rằng, quyền lợi cao nhất phải thuộc về người tiêu dùng. Điều này có nghĩa, họ sẽ mang đến những sản phẩm tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và sẽ không có chuyện các nhà đầu tư mang thật nhiều hàng hóa nước sở tại để bán ở thị trường Việt Nam, vì nhà đầu tư có quan điểm rằng: “Chúng tôi là các nhà bán lẻ, sẽ phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt nhất”. Có nghĩa rằng, nếu hàng Thái Lan tốt hơn hàng Việt Nam thì sẽ bán hàng Thái, và nếu hàng Việt Nam tốt hơn hàng Thái Lan thì sẽ bán hàng Việt. Bởi vậy, từ khâu sản xuất kinh doanh của mình, các DN Việt của chúng ta làm sao phải đưa đến được những sản phẩm tốt nhất, giá cả cạnh tranh nhất.

Chúng ta luôn ủng hộ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng theo bà, nếu DN Việt Nam không có thay đổi về chiến lược kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm thì liệu có đứng vững được không?

- Đúng vậy! Chúng ta luôn ủng hộ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, và trong xu thế hội nhập này, các DN Việt phải từ cuộc vận động, từ áp lực cạnh tranh, cần phải cung ứng cho người tiêu dùng Việt những sản phẩm chất lượng nhất. Hàng Việt nếu là hàng chất lượng tốt, chắc chắn sẽ không thể đứng ngoài để các nhà phân phối ngoại bán những sản phẩm khác kém hơn. Tôi cho là, kể cả khi làn sóng M&A trong lĩnh vực phân phối bán lẻ mạnh mẽ đến đâu, thì nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ luôn ưu tiên các sản phẩm hàng hóa mang tính cạnh tranh chứ không phải là hàng của nước nào sản xuất. Bởi vậy, yếu tố quyết định ở đây, để có thể trụ vững trước làn sóng này chính là sự nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, hoạt động quảng bá của các DN trong nước. Về phía Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, chúng tôi cũng thường xuyên đưa ra những góp ý, phản hồi của mình với nhà sản xuất trong nước với mong muốn nhà sản xuất có thể cung ứng những sản phẩm tốt hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quyền lợi cao nhất phải thuộc về người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO