Ra biển lớn, doanh nghiệp không thể đi một mình

Minh Phương 27/08/2018 08:00

Những biến động từ nền kinh tế toàn cầu, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, đang tác động đến kinh tế trong nước, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải có những chiến lược kinh doanh bài bản để có thể trụ vững trước thách thức và nuôi dưỡng khát vọng vươn ra biển lớn.

Ra biển lớn, doanh nghiệp không thể đi một mình

Tôm, sản phẩm chiến lược trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Tác động mạnh từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Những động thái gần đây của cả hai nước Mỹ và Trung Quốc cho thấy, căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này ngày càng gia tăng, chưa thấy có dấu hiệu “giảm nhiệt”.

Những tác động từ cuộc chiến này đến kinh tế Việt Nam không hề nhỏ.

Thuận lợi cũng có vì giới chuyên gia cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ được đẩy mạnh sang thị trường Hoa Kỳ khi Trung Quốc bị áp thuế cao, song bên cạnh đó bất lợi cũng không hề ít. Theo TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những bất lợi nhận thấy nhãn tiền đó là gian lận thương mại, khi Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu hàng hóa thông qua Việt Nam rồi xuất khẩu sang các quốc gia khác, trong đó có Mỹ.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Trung Quốc đang là quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu lớn nhất, lên tới 58 tỉ USD năm 2017, việc này đặt ra thách thức đối với các cơ quan quản lý Việt Nam, và với cả các doanh nghiệp (DN) trong nước. “Tăng năng suất lao động và cải thiện sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ là biện pháp duy nhất trong bối cảnh hiện nay”- ông Lộc nhấn mạnh.

Theo giới chuyên gia, không loại trừ việc hàng Trung Quốc “mượn” xuất xứ Việt Nam để có thể chen chân vào thị trường Mỹ. Chưa thể khẳng định điều này nhưng theo VCCI, nhiều cuộc điều tra về chống lẩn tránh thuế đã được tiến hành từ phía Hoa Kỳ đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, DN Việt Nam phải rất thận trọng. Trước tình hình này, VCCI khuyến cáo, DN nên nhận thức đúng vấn đề này để biết được đó là hành vi lẩn tránh thuế và có thể bị trừng phạt.

Ngoài ra, trước những tác động mạnh đối với nền kinh tế từ sự căng thẳng giữa hai cường quốc mạnh nhất thế giới, TS Vũ Tiến Lộc cũng nêu quan điểm, các DN Việt cần thiết phải xây dựng một mô hình kinh doanh linh động để có thể thường xuyên thay đổi, ứng phó với mọi sự biến động từ bên ngoài, dự phòng mọi rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Hay nói cách khác, theo ông Lộc, sự chủ động của DN trong việc đưa ra những chiến lược kinh doanh để có thể ứng phó với mọi tình huống là rất quan trọng, trong đó có sự chủ động về công nghệ, tìm kiếm thị trường mới là những điểm quan trọng mà DN Việt cần phải hướng đến trong bối cảnh hiện nay.

Ra biển lớn, doanh nghiệp không thể đi một mình - 1

Dù gặp khó khăn, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng.

Không thể “đơn thương độc mã”

Nhìn vào hoạt động của các DN nhỏ và vừa trong nước hiện nay, có thể thấy các DN cũng đang rất nỗ lực chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh bài bản để không bị rơi vào thế bị động trước những biến động bên ngoài.

Nói về kế hoạch hành động của mình trước những tác động từ thế giới, từ các Hiệp định thương mại tự do cũng như cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, ông Hoàng Hữu Chương- Chủ tịch HĐQT Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nguyễn Hoàng- một công ty kinh doanh ngành may mặc, cho biết, DN này cũng đang rất chủ động trong việc đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản trị để có thể nâng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, ông Chương cho rằng, trước biển lớn, DN nhỏ và vừa với quy mô vốn nhỏ, năng lực có giới hạn sẽ không thể “đơn thương độc mã” giữa thương trường, nhất là khi phải đối diện với nhiều DN ngoại lớn về nguồn lực. Do đó, rất cần sự chung tay của nhà quản lý trong việc hỗ trợ cộng đồng DN về đất đai, nguồn lực tài chính cũng như tư vấn về những rủi ro ở các thị trường quốc tế.

“Thời gian qua, các DN nhỏ và vừa trong nước bị suy giảm sức cạnh tranh nhiều do phải bỏ ra quá nhiều chi phí khi gia nhập thị trường, như chi phí logistic, lương tối thiểu… cũng như các chi phí khác để có thể trụ vững trên thương trường. Bởi vậy, DN chúng tôi cần lắm sự quan tâm hỗ trợ của nhà quản lý để giảm thiểu những chi phí này. DN nhỏ và vừa không thể đơn độc một mình khi ra biển lớn”- ông Lương cho biết.

Trăn trở của vị chủ DN ngành dệt may cũng là nỗi băn khoăn của nhiều DN nhỏ và vừa hiện nay. Theo các DN, để có thể trụ vững trên thương trường trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là phải giảm thiểu được các chi phí khi gia nhập thị trường để có thể nâng sức cạnh tranh cho cộng đồng DN.

Nhận định về cơ hội của cộng đồng DN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ cũng như trước những tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, PGS.TS Trần Đình Thiên -Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng điểm mấu chốt hiện nay cần phải giải tỏa chính là năng lực cạnh tranh của DN Việt và cải cách cơ cấu bên trong của Chính phủ. “Nếu chúng ta chỉ lo ứng phó trước những tác động bên ngoài thì không đủ mà nên tập trung vào cải cách cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN”- ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung cùng với bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay là một “nhiệt kế” để thử sức cạnh tranh của DN, những DN nào có thể trụ được trước những biến động mạnh của thương trường chính là những DN đã vững vàng, có khả năng quản trị, chiến lược kinh doanh tốt. Đó cũng là điều kiện cần để các DN có thể phát triển bền vững trong tương lai, không ngại bất kỳ rủi ro, tác động nào.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, DN Việt Nam cần thiết phải xây dựng một mô hình kinh doanh linh động để có thể thường xuyên thay đổi, ứng phó với mọi sự biến động từ bên ngoài, dự phòng mọi rủi ro trong hoạt động kinh doanh. Hay nói cách khác, sự chủ động của DN trong việc đưa ra những chiến lược kinh doanh để có thể ứng phó với mọi tình huống là rất quan trọng, trong đó có sự chủ động về công nghệ, tìm kiếm thị trường mới là những điểm quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra biển lớn, doanh nghiệp không thể đi một mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO