Rau sạch loay hoay tìm lối ra

Phương Nguyên 23/06/2015 09:55

Mất rất nhiều công chăm sóc, đầu tư tiền bạc tốn kém, tuân thủ đầy đủ quy trình sản xuất rau sạch, rau an toàn (RAT), tuy nhiên đầu ra cho những loại rau sạch, an toàn này lại luôn gặp phải khó khăn: khó bán, khó cạnh tranh được với những loại rau trồng thông thường. Bài toán đầu ra cho rau sạch đang là mối quan tâm lớn của những người trồng rau sạch ở Hà Nội hiện nay.

Rau sạch loay hoay tìm lối ra

Nguồn: caphesach.vn

Tự lực cánh sinh

Hơn 3 năm nay, ông Chu Văn Hồi - chủ cơ sở sản xuất RAT tại vùng RAT Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) vẫn đang phải loay hoay với việc tìm đầu ra, tìm nơi tiêu thụ cho những sản phẩm rau sạch do cơ sở mình trồng. Số lượng rau sạch cơ sở của ông trồng, sản xuất ra rất nhiều nhưng hiện tại mới chỉ cung cấp lẻ tẻ cho một số trường học, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, siêu thị, còn bán ra rộng rãi thị trường thì còn rất hạn chế.

Lý giải về những nguyên nhân của việc tiêu thụ các sản phẩm rau sạch này khó khăn, ông Hồi cho biết, quy trình trồng rau sạch, RAT thường phải tuân thủ đúng các quy trình trồng mà các cơ quan quản lý đã đặt ra trong khi đó suất đầu tư cho cơ sở, ruộng vườn, chăm sóc… cũng khá tốn kém. Cho nên, khi thành phẩm thì giá bán rau sạch, RAT chắc chắn sẽ cao hơn với rau trồng bình thường. Mặt khác, nông dân thì lấy đâu tiền để thuê cửa hàng bán rau, mà có thuê được thì giá cũng rất cao, bán rau làm sao trả nổi tiền thuê. Kể cả việc đưa rau sạch vào siêu thị, cửa hàng cũng không phải là chuyện đơn giản. Muôn vàn khó khăn rình rập.

Ông Hồi cũng nêu thêm lý do liên quan đến mẫu mã rau sạch, RAT thường xấu mã so với rau thường nên sẽ rất khó “lấy lòng” khách hàng bởi thói quen tiêu dùng của người nội trợ là thường chọn mua các loại rau thường có hình thức “bắt mắt”. Đó là những khó khăn khiến các sản phẩm rau sạch, RAT khó có thể cạnh tranh với các loại rau thông thường. Mặc dù, rau được trồng đúng quy trình, sạch thật, an toàn thật nhưng vẫn khó bán.

Cũng bởi những khó khăn, trở ngại trong việc tìm đầu ra, thị trường cho rau sạch, RAT nên không chỉ riêng ông Hồi mà hầu hết các cơ sở sản xuất, hộ gia đình nông dân trồng rau sạch ở Hà Nội hiện nay muốn tồn tại được vẫn phải tự lực cánh sinh, chủ động tìm đầu ra cho những sản phẩm rau sạch mình làm ra. Đây là thực trạng chung hiện nay của lĩnh vực sản xuất rau sạch, RAT ở Hà Nội.

Theo tìm hiểu hiện sản lượng gần rau sạch, RAT Hà Nội sản xuất khoảng hơn 400 nghìn tấn/ 1năm. Đó là một nguồn cung rất lớn về RAT cho người dân thành phố. Tuy nhiên, bất cập hiện nay nằm ở chỗ diện tích trồng, sản lượng rau sạch càng tăng, mở rộng nhưng hiệu quả kinh tế đem lại cho người trồng lại không cao.

Được biết, thành phố Hà Nội đã lập nhiều dự án sản xuất, trồng RAT và thiết lập các “kênh” tiêu thụ giúp bà con qua các hình thức: lập sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn, thí điểm vận hành các điểm phân phối RAT tại các khu dân cư, cơ quan. Tuy nhiên, những giải pháp trên vẫn chưa giải được bài toán đầu ra cho RAT của thủ đô.

Giải bài toán khó

Hiện TP Hà Nội có khoảng 12.000 ha diện tích canh tác rau, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau được sản xuất ở Hà Nội khá phong phú với trên 40 loại rau khác nhau. Trong khi đó, nhu cầu rau xanh của thành phố khoảng 950.000 tấn/năm. Theo như số liệu mới nhất thì hiện nay Hà Nội mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sử dụng rau sạch, rau an toàn cho người dân. Do đó, thị trường sản xuất, phát triển các loại rau sạch, RAT của Hà Nội vẫn còn rất rộng mở.

Tuy nhiên, để có được lợi thế, hiệu quả kinh tế cho người trồng rau sạch rất cần sự vào cuộc, hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý. Làm sao để các sản phẩm rau sạch, RAT có được chỗ đứng thì không phải chuyện đơn giản mà một chốc, một lát có thể thực hiện được. Theo ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội thì những khó khăn, hạn chế, bất cập việc sản xuất RAT nằm ở cơ cấu vốn trong Đề án sản xuất và tiêu thụ RAT chưa hợp lý.

Đồng thời vốn đầu tư xây dựng hạ tầng chiếm tỉ lệ cao nhưng chưa hiệu quả. Trong khi thiếu vốn hỗ trợ tổ chức quản lý sản xuất và tiêu thụ RAT. Mặt khác, khó khăn trên cũng là do chúng ta chưa hình thành chuỗi cung cấp rau bền vững từ sản xuất -sơ chế - tiêu thụ. Việc RAT tiêu thụ ít, bí đầu ra cũng là do có quá ít doanh nghiệp tham gia, dẫn đến người tiêu dùng chưa có lòng tin, người sản xuất RAT chưa mặn mà. Ông Hồng cũng chỉ ra những quy định quản lý còn thiếu về điều kiện kinh doanh rau, quả đảm bảo an toàn thực phẩm… cũng là rào cản khiến cho các sản phẩm rau sạch, RAT chưa có chỗ đứng với người tiêu dùng.

Ông Hồng cho rằng, để người tiêu dùng có lòng tin, người sản xuất có động lực, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu rau an toàn của người tiêu dùng Thủ đô, cần phải điều chỉnh Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn TP Hà Nội giai đoạn 2009-2015. Đồng thời, từng bước quản lý rau của các tỉnh tiêu thụ tại Hà Nội, và thành phố cần phải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án “Chuỗi cung cấp rau an toàn cho thành phố Hà Nội, giai đoạn 2015-2020”.

Được biết, Sở Công thương Hà Nội đã đề xuất UBND TP có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển rau sạch, RAT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rau sạch loay hoay tìm lối ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO