Rút ngắn đường lên sàn

H.Hương 19/10/2016 00:14

Từ ngày 1/11 tới, với doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thì cổ phiếu bán đấu giá thành công sau 20 ngày có thể giao dịch trên thị trường UPCOM. Điều này sẽ góp phần tăng tính công khai, minh bạch của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham dự đấu giá, từ đó tăng tính hấp dẫn của cổ phần đưa ra đấu giá.

Việc tránh niêm yết khiến mức độ minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp chậm cải thiện.

Tăng tính hấp dẫn của cổ phần đưa ra đấu giá

Theo Thông tư 115/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa (CPH) của các DN 100% vốn Nhà nước, bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới, chặng đường lên sàn của doanh nghiệp sẽ ngắn lại. Các doanh nghiệp cũng không thể trốn cảnh cổ phần hóa nhưng không chịu niêm yết như trước kia mãi được.

Cụ thể, nội dung thông tư quy định gắn hoạt động đấu giá tại sở giao dịch chứng khoán đồng thời với đăng ký giao dịch cổ phần của DN nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa. Chỉ sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Sở GDCK, nơi tổ chức đấu giá gửi Trung tâm Lưu ký (VSD), Sàn GDCK Hà Nội (HNX) văn bản thông báo giá thanh toán bình quân kèm danh sách người sở hữu cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, DN CPH có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản về số tiền thu được từ đợt đấu giá.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả bán đấu giá cổ phần của DN CPH, UBCKNN gửi thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá cho DN CPH, HNX và VSD. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo xác nhận kết quả bán đấu giá của UBCKNN, HNX đưa cổ phần vào giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là giá thanh toán bình quân qua đấu giá.

Trước đây, DN phải trải qua 4 giai đoạn nộp hồ sơ khác nhau từ đấu giá, đăng ký công ty đại chúng, lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch để lên sàn thì nay với Thông tư 115/2016/TT-BTC, DN sẽ chỉ phải hoàn thiện một bộ hồ sơ duy nhất gửi đồng thời cho sở GDCK, VSD và HNX. Điều này sẽ góp phần tăng tính công khai, minh bạch của DNNN sau CPH, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư tham dự đấu giá, từ đó tăng tính hấp dẫn của cổ phần đưa ra đấu giá, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư bên ngoài tham gia, giá đấu sẽ cao hơn.

Trong thời gian qua dù cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đại chúng lên sàn, nhưng đến nay, vẫn chưa có chế tài rõ ràng đối với những doanh nghiệp “trốn” nghĩa vụ lên sàn. Nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hay là các ngân hàng vẫn không chịu niêm yết.

Nhiều doanh nghiệp lớn vẫn không chịu niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hạn chế các doanh nghiệp chây ỳ

Giới chuyên gia nhìn nhận, có tình trạng không thích sự minh bạch để dễ dàng tham nhũng, chiếm đoạt tài sản của nhà nước và của cổ đông. Đã có nhiều nhóm lợi ích với ý đồ tham nhũng, bưng bít thông tin và tìm cách kiểm soát doanh nghiệp cổ phần hóa, biến tài sản cổ đông và nhà nước thành tài sản của nhóm cá nhân và những nhóm lợi ích này trở thành chủ nhân của doanh nghiệp mặc dù họ không có nhiều vốn cổ phần.

Có những nhóm lợi ích ngăn cản việc doanh nghiệp cổ phần hóa niêm yết để làm cho cổ đông và nhà đầu tư mất lòng tin vào doanh nghiệp đó, đó là cách thức hạ giá cổ phiếu, hạ giá tài sản để từ đó dề dàng mua được toàn bộ cổ phần chi phối của nhà nước với giá rẻ mạt thông qua con đường bán thỏa thuận hay bán đấu giá.

Với quy định mới từ thông tư 115 sẽ hạn chế tình trạng các DN chây ỳ, né tránh việc niêm yết, đăng ký giao dịch mà không cần phải có các chế tài hoặc thực hiện các biện pháp cưỡng chế thực thi khác. Thông tư này giúp đưa phương thức bán cổ phần lần đầu ở Việt Nam đến gần với thông lệ quốc tế, bám sát tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

Ngày 18/10, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản đề xuất gửi Bộ Tài chính Tổng Công ty Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước phương án bán vốn hiệu quả tại Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk.
Chủ trương của Chính phủ bán cổ phần nhà nước theo giá cao nhất. Tuy nhiên theo nhận xét của VAFI, trên thực tế Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước ( SCIC ) đã không làm như vậy khi triển khai kế hoạch bán cổ phần nhà nước tại Vinamilk (VNM): SCIC chọn phương án loại bỏ nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược tham gia đấu giá bằng việc đưa ra phương án chỉ bán 20% cổ phần nhà nước tại Vinamilk ( tương ứng 9% vốn điều lệ). Đây là phương án hạn chế sức cầu, hạn chế sự cạnh tranh trong việc đấu giá, từ đó giá bán VNM sẽ rất thấp.
Theo thông báo của SCIC việc bán cổ phần nhà nước tại VNM chia thành nhiều đợt và đợt đầu chỉ bán 20% cổ phần nhà nước. VAFI khẳng định phương án này sẽ gây thất thu cho nhà nước khoảng 1 tỷ USD nếu so sánh với cách thức bán 1 lần toàn bộ cổ phần nhà nước (chiếm 45%/vốn điều lệ VNM).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rút ngắn đường lên sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO